Đối với người sinh sống tại cộng đồng trong tỉnh Quảng Ninh, mức chuẩn trợ giúp xã hội sẽ được nâng lên 450.000 đồng/ người/tháng từ ngày 1/8 đến 31/12/2022 và 500.000 đồng/người/tháng từ ngày 1/1/2023 (cao hơn 1,38 lần so với mức chuẩn Trung ương quy định). Còn đối với người nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội mức chuẩn trợ cấp xã hội là 500.000 đồng/người/tháng.
Chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh sẽ có nhiều thay đổi. |
Đối tượng bảo trợ xã hội cũng được mở rộng ra nhóm trẻ em dưới 3 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ nhiễm HIV/AIDS, trẻ dưới 2 tuổi sinh ra từ bà mẹ bị nhiễm HIV/AIDS, người cao tuổi, người từ đủ 75 tuổi đến dưới 80 tuổi không có lương hưu, không có trợ cấp bảo hiểm xã hội, không có trợ cấp xã hội hàng tháng khác, người bệnh nặng, ốm đau thường xuyên, người mắc bệnh cần điều trị dài ngày không có khả năng lao động tạo ra thu nhập thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo... Cùng với trợ cấp xã hội hàng tháng, tỉnh sẽ hỗ trợ mua thẻ Bảo hiểm y tế, chi phí khám, chữa bệnh, học phí, chi phí mai táng; hỗ trợ sau thoát nghèo…
Tỉnh Quảng Ninh đảm bảo khả năng cân đối của ngân sách địa phương với lộ trình thực hiện cụ thể trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 để triển khai hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho các đối tượng yếu thế, khó khăn, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội và từng bước nâng cao mức sống của người dân trên địa bàn.
Hiện tỉnh Quảng Ninh có hơn 40.300 người thuộc diện bảo trợ xã hội đang hưởng chế độ trợ giúp theo chính sách của Trung ương và các chính sách đặc thù của Quảng Ninh. Tổng kinh phí thực hiện trợ cấp xã hội là trên 286 tỷ đồng/năm.