Quặng sắt “chảy” sang Trung Quốc
- VTM được thành lập trên cơ sở liên doanh giữa Tổng công ty Thép Việt Nam, Công ty khoáng sản Lào Cai và Tập đoàn Gang thép Côn Minh (Trung Quốc), thực hiện đầu tư dự án khai thác tuyển quặng mở Quý Sa và xây dựng Nhà máy gang thép Lào Cai.
Qua trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo của Hiệp hội thép Việt Nam cho biết, việc xuất khẩu quặng sắt từ mỏ Quý Sa sang Trung Quốc của VTM đã được Bộ Công Thương chấp thuận để đổi lấy than mỡ.
Hiện mỏ sắt Quý Sa do Tổng công ty Thép Việt Nam quản lý, đây là mỏ sắt lớn thứ nhì Việt Nam với trữ lượng 120 triệu tấn, chỉ đứng sau mỏ Thạch Khê (Hà Tĩnh) có trữ lượng 450 triệu tấn. Việc xuất khẩu quặng sắt được Bộ Công Thương cấp hạn ngạch hàng năm.
“Từ năm ngoái đến nay, nhiều doanh nghiệp khác cũng có văn bản xin tuyển quặng xuất khẩu, nhưng quan điểm của Hiệp hội thép là không đồng ý, trừ trường hợp đặc biệt được xuất phải chịu mức thuế xuất cao nhất 40% để hạn chế bớt việc xuất khẩu quặng thô”, vị lãnh đạo hiệp hội thép cho hay.
Theo vị lãnh đạo Hiệp hội thép nhận định thì ngoài việc mất quặng ra, việc khai thác xuất khẩu quặng thô đang làm lãng phí tài nguyên quốc gia và gây ô nhiễm môi trường bởi đa phần các đơn vị khai thác theo kiểu tự do, “ngon lấy, kém bỏ”.
Thông thường, việc khai thác quặng có kỹ thuật sẽ theo qui trình trung hòa cả quặng tốt lẫn xấu để tuyển quặng chất lượng trung bình tiêu thụ, tránh lãng phí.
Hiệp hội thép cho biết, đến nay, công suất sản xuất gang từ quặng sắt của cả nước lên đến trên 1,8 triệu tấn/năm. Do các dự án luyện gang lò cao đang tiếp tục được xây dựng từ năm 2010 trở đi nên nhu cầu về quặng sắt của Việt Nam ngày càng tăng.
“Nếu vẫn cho phép tiếp tục xuất khẩu quặng sắt thì các công ty sản xuất gang trong nước sẽ thiếu quặng vì trữ lượng quặng sắt của Việt Nam rất hạn chế”, ông Nguyễn Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam nêu tại một văn bản gởi Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan về đề nghị ngưng xuất khẩu quặng sắt.
TBKTSG