CôngThương - Theo đó, trong 5 năm (2006-2010), với 5,2 tỷ đồng nguồn vốn khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương hỗ trợ, Trung tâm Khuyến công (TTKC) tỉnh Quảng Trị đã tổ chức đào tạo nghề cho hơn 2.700 lao động khu vực nông thôn, đào tạo khởi sự doanh nghiệp cho 289 học viên đến từ các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất (CSSX) trong tỉnh. Để nâng cao khả năng, vai trò của các cán bộ khuyến công trong quá trình công tác, Trung tâm đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về nghiệp vụ cũng như khả năng xây dựng, quản lý đề án cho cán bộ phụ trách kinh tế tại các huyện, xã. Bên cạnh đó, Trung tâm còn hỗ trợ cho hơn 60 DN, CSSX CNNT thực hiện đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, xử lý môi trường trong các lĩnh vực chế biến thủy sản, thực phẩm, nông sản... Những ưu đãi mà hoạt động khuyến công dành cho các DN, CSSX thay đổi công nghệ sản xuất đã giúp năng suất, chất lượng sản phẩm tăng lên rõ rệt, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu, đem lại doanh thu không nhỏ. Ngoài ra, Trung tâm cũng hỗ trợ kinh phí cho 3 đoàn DN, CSSX CNNT tham gia các hội chợ triển lãm hàng CNNT tiêu biểu tại Quảng Nam, Đà Nẵng và Thanh Hóa, giúp các đơn vị quảng bá thương hiệu, liên doanh, liên kết và trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất; hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cho 13 cụm công nghiệp (CCN), làng nghề tại các huyện, thị xã trong tỉnh, gồm: CCN Nam Cửa Việt, CCN-làng nghề thị trấn Ái Tử, CCN Bắc Hồ Xá, CCN Bàu De, CCN Tân Trang - Cam Lộ…
đoạn 2011-2015, để đảm bảo tốc độ tăng trưởng ngành CNNT bình quân mỗi năm đạt 15-16% và tăng tỷ trọng ngành CNNT trong cơ cấu công nghiệp của tỉnh từ 33-35%, UBND tỉnh Quảng Trị đã quyết định tăng nguồn đầu tư cho hoạt động khuyến công. Với 16,9 tỷ đồng, hoạt động khuyến công giai đoạn mới sẽ tập trung thực hiện những nội dung chủ yếu như: đào tạo nghề; đào tạo nâng cao năng lực cho các DN, CSSX; tạo điều kiện cho các DN, CSSX liên doanh, liên kết trong sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, phát triển sản phẩm thủ công tiêu biểu…
Cụ thể, TTKC sẽ thực hiện đề án đào tạo nghề theo nhu cầu gắn với cam kết đảm bảo việc làm cho người lao động sau đào tạo. Việc đào tạo phải chú trọng đến ngành nghề cần nhiều lao động, địa phương có lợi thế và gắn với các làng nghề truyền thống như: nghề may công nghiệp, gia công cơ khí, sản xuất giấy, bao bì, chằm nón, làm hương… Dự kiến, số đề án đào tạo thực hiện trong 5 năm là 58 đề án, kinh phí thực hiện là 2,28 tỷ đồng. TTKC sẽ dành 735 triệu đồng thực hiện 30 đề án đào tạo nâng cao năng lực cho các DN, CSSX, nội dung chủ yếu tập trung vào đào tạo kỹ năng điều hành, tổ chức sản xuất, thương hiệu hàng hóa, thị trường…
Thời gian tới, chương trình hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật vẫn là một trong những nội dung trọng tâm của hoạt động khuyến công. Với 2,91 tỷ đồng, TTKC sẽ thực hiện khoảng 60 đề án hỗ trợ đầu tư thiết bị, công nghệ tiên tiến cho các DN, CSSX nhằm đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành CNNT. Ngoài ra, TTKC sẽ tập trung hỗ trợ ứng dụng công nghệ cho một số ngành nghề mà địa phương có lợi thế như: chế biến gỗ, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến khoáng sản, thủy sản, cơ khí sửa chữa, gia công máy nông - ngư nghiệp…
Bên cạnh đó, khuyến công sẽ hỗ trợ cho các DN, CSSX thành lập các hiệp hội, hội ngành nghề, làng nghề truyền thống, liên kết vệ tinh sản xuất các mặt hàng phụ trợ, liên kết các làng nghề, CSSX hàng thủ công truyền thống với các DN du lịch. Trung tâm cũng sẽ hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết và đầu tư xây dựng cụm, điểm, làng nghề theo quy hoạch của tỉnh và ưu tiên cho những địa bàn khó khăn, công nghiệp chậm phát triển. Dự kiến, kinh phí dành cho nội dung này là 8,6 tỷ đồng. Trung tâm còn dành 1,04 tỷ đồng thực hiện 87 đề án phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu…