Quốc hội ban hành kế hoạch giám sát chuyên đề về thị trường bất động sản và nhà ở xã hội
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hộiTrần Thanh Mẫn, Trưởng đoàn giám sát vừa ký ban hành Kế hoạch chi tiết giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”. Đây là một trong hai chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội đã được thông qua tại Nghị quyết số 90/2023/QH15 ngày 08/6/2023 của Quốc hội về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.
Đánh giá khách quan, toàn diện về quản lý thị trường bất động sản, nhà ở xã hội
Kế hoạch số 551/KH-ĐGS Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” nêu rõ: Thực hiện Nghị quyết số 90/2023/QH15 ngày 08/6/2023 của Quốc hội về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024; Nghị quyết số 95/2023/QH15 ngày 22/6/2023 của Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”; Nghị quyết số 836/NQ-UBTVQH15 ngày 02/8/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về danh sách Ủy viên và đại biểu mời tham gia Đoàn giám sát, Đoàn giám sát xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện.
Quốc hội sẽ tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thị trường bất động sản, nhà ở xã hội (Ảnh: minh họa) |
Kế hoạch số 551 nêu rõ, mục đích giám sát nhằm đánh giá khách quan, toàn diện tình hình và kết quả thực hiện: Chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản từ năm 2015 đến hết năm 2023; chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.
Trong mỗi nội dung trên đánh giá, làm rõ: Tính kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, khả thi của việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đối với từng nội dung giám sát. Thực trạng, tình hình thực hiện chính sách, pháp luật đối với từng nội dung giám sát.
Xác định kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế; nguyên nhân (chủ quan, khách quan); chỉ rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Rút ra bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.
Đề xuất nhiệm vụ, giải pháp xử lý những tồn tại, hạn chế. Kiến nghị, đề xuất giải pháp hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, trong đó có việc ban hành, tổ chức thực hiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6.
Về nội dung giám sát đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản từ năm 2015 đến hết năm 2023: Các văn bản của Đảng đã ban hành và việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý thị trường bất động sản. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản từ năm 2015 đến hết năm 2023.
Trong đó, tập trung vào các nội dung như: Công tác chỉ đạo, tổ chức thi hành, quản lý điều hành, điều tiết thị trường bất động sản; nguồn cung bất động sản; giao dịch bất động sản; tình hình hoạt động của doanh nghiệp bất động sản; công tác quy hoạch; việc sử dụng đất để thực hiện dự án bất động sản; trình tự, thủ tục thực hiện; nguồn vốn cho thị trường bất động sản; kinh doanh dịch vụ bất động sản; công khai, minh bạch thông tin về thị trường bất động sản; công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiến nghị của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh bất động sản; điều tra, xét xử, thi hành án đối với các vụ án liên quan đến kinh doanh bất động sản.
Nội dung giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản cũng tập trung làm rõ tồn tại, hạn chế, nguyên nhân khách quan, chủ quan của kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế, trong đó làm rõ nguyên nhân do cơ chế, chính sách hay do tổ chức thực hiện; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, trách nhiệm của người đứng đầu đối với nội dung đó.
Về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023, Đoàn giám sát tập trung vào các văn bản của Đảng đã ban hành và việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở xã hội; việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở xã hội, trong đó tập trung vào Chương trình, kế hoạch, các hình thức phát triển nhà ở xã hội; đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội; quỹ đất, nguồn vốn để xây dựng nhà ở xã hội; việc thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội; loại nhà và tiêu chuẩn, quy chuẩn nhà ở xã hội; xác định giá thuê, giá thuê mua, giá bán nhà ở xã hội; nguyên tắc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội; về quản lý, vận hành nhà ở xã hội; công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, kiểm toán, xử lý vi phạm; việc thực hiện các kết luận giám sát, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở xã hội.
Đồng thời, hoạt động giám sát cũng làm rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân chủ quan, khách quan của kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế, trong đó làm rõ nguyên nhân do cơ chế, chính sách hay do tổ chức thực hiện; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, trách nhiệm của người đứng đầu đối với nội dung đó.
Giám sát trực tiếp tại 12 địa phương
Kế hoạch của Đoàn Giám sát của Quốc hội cũng phân công, tổ chức công việc cụ thể của Đoàn giám sát.
Trong đó, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát; đồng chí Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát; đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát; đồng chí Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay (2021-6/2023), cả nước đã hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị (Ảnh minh họa) |
Kế hoạch của Đoàn Giám sát cũng phân công cụ thể đối với Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; các đồng chí trong Tổ giúp việc Đoàn giám sát; thành viên khác của Đoàn giám sát và đại biểu được mời tham gia hoạt động của Đoàn giám sát.
Đoàn giám sát cũng xây dựng kế hoạch giám sát chi tiết và các đề cương báo cáo, trong đó xác định thời gian cụ thể thành lập Tổ giúp việc; thời gian các đối tượng chịu sự giám sát gửi báo cáo về Đoàn giám sát; thời gian tổ chức các phiên họp của Đoàn giám sát; thời gian tổ chức hội thảo, tọa đàm ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức trong và ngoài nước về các nội dung giám sát; thời gian làm việc với Chính phủ, 08 bộ, ngành, cơ quan Trung ương và dự kiến tổ chức giám sát trực tiếp tại 12 địa phương.
Sau khi giám sát các báo cáo, làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, Đoàn giám sát sẽ hoàn thiện dự thảo Báo cáo kết quả giám sát, dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề; tổ chức làm việc, lấy ý kiến về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát, dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Báo cáo kết quả giám sát, dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề tại phiên họp tháng 8/2024.
Sau đó, Đoàn giám sát tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát, dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề; hoàn thiện Báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề, gửi các vị đại biểu Quốc hội trước khi khai mạc Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV.