Quốc hội nghe báo cáo và thảo luận về Dự thảo Luật quản lý ngoại thương
Tin hoạt động 25/05/2017 14:57
Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật quản lý ngoại thương |
Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật quản lý ngoại thương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), có nhiều nhóm vấn đề được đại biểu Quốc hội cho ý kiến như trách nhiệm quản lý nhà nước về ngoại thương; các quy định về xuất nhập khẩu (XNK) bao gồm hành vi cấm, tạm ngừng, hạn ngạch xuất hoặc nhập khẩu; hạn ngạch thuế quan; các quy định chỉ định thương nhân XNK; quản lý theo giấy phép, điều kiện XNK.
Bên cạnh đó là các quy định liên quan đến hoạt động ngoại thương với các nước có chung đường biên giới; các biện pháp quản lý hàng hóa đối với khu vực hải quan riêng; phòng vệ thương mại; giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương; và các biện pháp phát triển hoạt động ngoại thương.
Ngoài các nội dung nêu trên, UBTVQH đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan rà soát tiếp thu, chỉnh lý về kỹ thuật văn bản, sắp xếp lại các nội dung cho phù hợp hơn.
Thảo luận tại hội trường, đã có 17 đại biểu đăng ký phát biểu về một số nội dung trong dự thảo Luật. Về cơ bản các đại biểu đều nhất trí cho rằng việc Ban hành Luật ngoại thương là cần thiết, có ý nghĩa hết sức quan trọng đảm bảo hoạt động quản lý Nhà nước về ngoại thương thuận lợi, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến khác biệt.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu |
Về trách nhiệm quản lý nhà nước về ngoại thương, nhiều ý kiến đề nghị quy định về thẩm quyền của Bộ Công Thương theo hướng minh bạch, có cơ chế kiểm soát, giám sát; rà soát quy định trách nhiệm của Bộ Công Thương để đảm bảo không trái với quy định về chức năng, nhiệm vụ của bộ cũng như làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành có liên quan; xác định vai trò, vị trí, phân cấp trách nhiệm cho chính quyền địa phương.
Các đại biểu cũng đề nghị làm rõ hơn các quy định về cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu và giao việc quy định, ban hành Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu trong Luật cho UBTVQH thực hiện. Về việc tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu nên giao cho Thủ tướng Chính phủ thực hiện để đảm bảo về mặt thời gian vì các mặt hàng này có liên quan đến nhiều bộ, ngành. Một số mặt hàng chuyên biệt như nông sản nên giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phù hợp với Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Luật thú y...
Về hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu, có ý kiến đề nghị giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thẩm quyền áp dụng hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu. Nhưng UBTVQH đề nghị giữ quy định giao Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, tổ chức có liên quan để quyết định việc áp dụng hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu.
Liên quan đến hạn ngạch thuế quan, có ý kiến đề nghị bỏ khoản 2 Điều 21 do hạn ngạch thuế quan nhập khẩu là một biện pháp tự vệ đối với hàng nhập khẩu, vì vậy việc áp dụng thuế suất ưu đãi hơn đối với lô hàng áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu là không hợp lý. Tuy nhiên đây là một trong những biện pháp tự vệ cần thiết và phù hợp với thông lệ quốc tế. Vì vậy, UBTVQH xin Quốc hội giữ như quy định tại dự thảo Luật.
Các đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ một số khái niệm, quy định liên quan đến việc chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu và thẩm quyền chỉ định của cơ quan quản lý; các quy định quản lý theo giấy phép, điều kiện XNK nhằm giảm bớt giấy phép, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, hạn chế “xin cho”; tăng cường tính công khai minh bạch, công bằng cho doanh nghiệp.
Đoàn Chủ tịch và đại diện UBTVQH, Bộ Công Thương tham gia phiên họp |
Bên cạnh đó còn thảo luận, cho ý kiến về nhiều nội dung trong dự thảo Luật như hoạt động ngoại thương với các nước có chung đường biên giới; các biện pháp quản lý hàng hóa đối với khu vực hải quan riêng; các biện pháp phòng vệ thương mại; phát triển hoạt động ngoại thương; giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương...
Phát biểu giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về dự án Luật quản lý ngoại thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh – đại diện cơ quan được giao chủ trì, phối hợp soạn thảo dự Luật đã gửi lời cảm ơn các ý kiến đóng góp quan trọng, thiết thực của các đại biểu Quốc hội; Đối với các ý kiến của đại biểu, Bộ sẽ tổng hợp, giải trình, làm rõ và gửi bằng văn bản tới từng đại biểu. Bộ trưởng cũng cho biết sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến của ĐBQH nhằm bổ sung vào Dự thảo Luật đảm bảo chất lượng, đạt được mục tiêu đề ra.
Trước đó, đầu giờ phiên họp sáng nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi). Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi).
Chiều nay Quốc hội thảo luận tại tổ để đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017; Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015.