"Nhà sản xuất chân chính phải cam kết với người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm"
- Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Duy Đức cho biết, sau khi rời quân ngũ, ông về làm quản đốc phân xưởng cho một công ty sản xuất đồ hộp, sau đó chuyển sang làm PGĐ một xí nghiệp gỗ, rồi về làm cho doanh nghiệp sản xuất tranh tượng, đồ gỗ mỹ nghệ. Đến năm 2001 ông xin nghỉ về Bình Dương làm rẫy. Và tất nhiên làm rẫy sẽ có nhu cầu dùng phân bón, nông dân trong vùng cũng có nhu cầu rất lớn về phân bón. Thế là ông nảy sinh ý định đi buôn phân bón. Đầu tiên là nhập phân bón về và bán cho nông dân. Lúc đó ông phải cầm cố nhà đất đi vay tiền, nhập phân bón từ thị trường Đan Mạch về đóng gói tại Việt Nam, phân phối sản phẩm từ Bắc chí Nam. Do chưa tạo được thị trường nên ông vừa bán vừa cho dùng thử và không quên dặn người tiêu dùng nếu sử dụng có kết quả nhớ gọi lại cho ông. Thật may mắn, khoảng 2 tháng sau, rất nhiều cuộc điện thoại gọi đến phản hồi là sản phẩm rất tốt, ông tiếp tục nhập hàng về và mở rộng hệ thống phân phối.
Ông Phan Duy Đức- Giám đốc Công ty TNHH Hiếu Giang |
Làm một thời gian, ông mạnh dạn đầu tư phát triển nhà máy sản xuất phân hữu cơ từ các phế phẩm nông nghiệp như vỏ cà phê, vỏ đậu phộng, phân bò, phân chuồng… Nhà máy chính thức hoạt động từ năm 2009 tại tỉnh Lâm Đồng. Sản phẩm của Hiếu Giang hiện nay phủ khắp từ các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đến các tỉnh miền Tây Nam bộ. Nguồn nguyên liệu tập trung từ rất nhiều nơi, chi phí vận chuyển cao, tuy nhiên Hiếu Giang vẫn giữ giá bán rất ổn định. Hiện nay, Hiếu Giang đang tập trung vào thị trường TP.HCM với các sản phẩm đất sạch và phân hữu cơ phục vụ cho nhu cầu trồng rau sạch, cây kiểng…
“Điều chúng tôi mong muốn trong giai đoạn hiện nay là làm sao hòa vốn, đủ chi phí trang trải để công ty hoạt động và đảm bảo ổn định đội ngũ lao động, đảm bảo được mức sống tương đối cho nhân viên của mình. Còn để làm giàu thì chưa thể làm được trong thời điểm khó khăn như hiện nay”, ông Phan Duy Đức nói.
Phân bón là sản phẩm thường xuyên đối mặt với vấn nạn hàng gian, hàng giả, hàng nhập lậu từ Trung Quốc. Dưới góc độ là nhà sản xuất, theo ông cần làm gì để bài trừ vấn nạn trên?
Hàng gian hàng giả là một vấn nạn làm đau đầu những nhà sản xuất chân chính như chúng tôi. Để bài trừ nó là một cuộc chiến hết sức cam go và tốn nhiều công sức. Theo tôi, việc này cần phải làm đồng bộ và phải làm từ gốc. Ví như Sở KHĐT của tỉnh hoặc thành phố muốn cấp phép cho một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón nào đó thì cần phải xem doanh nghiệp này đã có nhà xưởng, máy móc thiết bị, có công nhân hay không hay chỉ là một ông giám đốc và một vài người phụ việc. Phân bón giả và nhái hiện nay trên thị trường có hai dạng: một là làm theo kiểu thủ công, hai là đặt hàng bên Trung Quốc và làm theo bao bì Việt Nam, sau đó mang về nước bán.
Nhà sản xuất chân chính phải cam kết với người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm của mình, tiếp đến phải thường xuyên tổ chức hội thảo hội nghị để tuyên truyền và giới thiệu sản phẩm của mình đến người tiêu dùng và phải có chính sách bán hàng phù hợp.
Hiện tượng hàng nhái trên thị trường hiện nay làm cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính rất khó khăn, nhưng những người đại lý thì bán hàng theo lợi nhuận. Người tiêu dùng rất dễ bị nhầm lẫn, chỉ khi nào đem dùng thì mới phát hiện được, như trường hợp đất sạch của Hiếu Giang bị làm nhái, chúng tôi hoàn toàn không hay biết, chỉ đến khi người tiêu dùng phát hiện họ gọi điện khiếu nại, chúng tôi mới biết sản phẩm của mình đang bị một đơn vị khác làm nhái. Nói điều này để thấy rằng việc phát hiện hàng giả hàng nhái chỉ trông chờ vào người tiêu dùng còn việc ngăn chặn vấn nạn này tôi nghĩ phải có sự phối hợp từ nhiều phía: nhà nước, nhà kinh doanh, nhà sản xuất và người tiêu dùng.
Ở cấp độ là nhà quản lý, nhà nước mình cần tăng cường chế tài xử lý đối với hàng gian, hàng giả, đặc biệt hàng giá rẻ, kém chất lượng có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Các mặt hàng này trên thị trường trong nước hiện nay đang ở mức báo động, phương thức sản xuất hàng hóa kém chất lượng của Trung Quốc ngày càng quy mô và tinh vi hơn. Không chỉ dừng lại ở khâu sản xuất hàng hóa kém chất lượng sau đó tuồn qua Việt Nam như lâu nay, mà hiện trên thị trường đang xuất hiện tình trạng làm giả sản phẩm thương hiệu Việt Nam ngay từ Trung Quốc rồi sau đó quay trở lại thị trường Việt Nam. Vì vậy, để tránh mua nhầm hàng gian hàng giả, người tiêu dùng khi mua sản phẩm nào cần dành thời gian lưu ý đọc kỹ hướng dẫn nguồn gốc xuất xứ, thành phần… ghi trên nhãn bao bì hàng hóa.
Thực tế, để hàng gian hàng giả có mặt trên thị trường có trách nhiệm quan trọng của các nhà buôn. Hiện nay cơ chế pháp luật để chế tài loại hành vi này còn quá nhẹ, khi vi phạm chỉ phạt vài triệu đồng nên không đủ sức răn đe. Các doanh nghiệp kinh doanh bất chính sẵn sàng nộp phạt và tiếp tục hành nghề trở lại. Do đó, cần điều chỉnh cơ chế theo hướng tăng cường chế tài, xử phạt thật nặng các hành vi này mới mong hạn chế được hàng lậu, hàng kém chất lượng trên thị trường.
Có khi nào vì mệt mỏi với cuộc chiến chống hàng gian hàng giả mà ông chấp nhận chạy theo lợi nhuận, không quan tâm nhiều đến vấn đề chất lượng?
Nếu vì chạy theo lợi nhuận mà kéo chất lượng xuống thì chắc chắn người tiêu dùng sẽ tẩy chay. Để giữ vững thương hiệu và đối phó với vấn nạn hàng gian, hàng giả tràn lan bắt buộc chúng tôi phải tiết kiệm mọi thứ để kéo giá thành xuống, chấp nhận lỗ, vì nếu không sẽ không bán được hàng dẫn đến hàng tồn kho ngày càng nhiều và như thế tiền đâu để trả lãi ngân hàng, lương đâu nuôi công nhân.
Việc giảm giá bán xem như là cách tốt nhất để tồn tại, còn nếu anh giảm chất lượng thì có nghĩa là anh tự giết chết thương hiệu của mình. Chúng tôi hay gọi cuộc chiến này là “sống chung với lũ”, vì để giữ vững thương hiệu, doanh nghiệp phải tìm cách tiết giảm nhiều thứ khác như giảm lao động, giảm phương tiện vận chuyển… để làm sao có được mức giá cạnh tranh nhất. Doanh nghiệp muốn tồn tại phải tự thân vận động chứ không chỉ biết ngồi đó trông mong vào sự trợ giúp hoặc kêu cứu từ Chính phủ.
Là một người gần gũi và gắn bó với bà con nông dân. Ông có những hoạt động thiết thực nào giúp họ cải thiện đời sống?
Chúng tôi tổ chức hệ thống phân phối trực tiếp đến đại lý, tổ chức hội thảo giới thiệu sản phẩm đến nông dân và tổ chức cánh đồng mẫu. Chúng tôi có đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên thường xuyên tiếp xúc với bà con nông dân để hướng dẫn họ cách thức sử dụng, gần gũi họ để nắm bắt tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của họ, từ đó mình sẽ có những cải tiến sản phẩm sao cho phù hợp với nhu cầu của họ.
Tôi thường tổ chức khám bệnh cho đồng bào dân tộc, trao học bổng cho học sinh nghèo học giỏi. Tôi luôn tâm niệm rằng, mình làm việc thiện phải xuất phát từ cái tâm và giúp đỡ đúng những hoàn cảnh cần giúp đỡ chứ tôi không cần phô trương và cũng không cần ca ngợi trên các phương tiện truyền thông. Đất nước đang khó khăn, mỗi người chúng ta nên cố gắng sống tốt hơn và cố gắng làm việc nhiều hơn để trước tiên bản thân mình tốt hơn lên sau đó là giúp ích cho cộng đồng xã hội. Không nên cứ ngồi đó chỉ trích, phê phán người nọ, người kia.
Dương Lài