Ảnh: Cấn Dũng
CôngThương - Thành lập Quỹ bình ổn giá
Theo dự thảo, Nhà nước sẽ thành lập Quỹ bình ổn giá điện nhằm giảm thiểu tác động bất lợi tới ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội. Theo đó, khi EVN giải quyết xong các khoản nợ, các khoản chi phí sản xuất kinh doanh điện "treo" lại từ các năm trước đã được phân bổ hết mà chênh lệch giá bán điện bình quân dưới 0% thì EVN sẽ trích nạp Quỹ bình ổn giá điện. Việc điều chỉnh giá điện sẽ theo 3 thông số đầu vào cơ bản gồm: Tỷ giá, giá nhiên liệu và cơ cấu sản lượng điện phát. Tối thiểu 3 tháng 1 lần, EVN được phép điều chỉnh giá điện nếu các yếu tố đầu vào có biến động. Yếu tố tỷ giá và giá nhiên liệu được tính vào ngày 15 hàng tháng hoặc của ngày làm việc liền trước nếu ngày 15 trùng với ngày nghỉ. Yếu tố cơ cấu sản lượng điện được tính dựa trên sự thay đổi giữa cơ cấu sản lượng điện phát của các tháng đã qua kể từ lần điều chỉnh trước so với kế hoạch phát điện hàng năm đã được Bộ Công Thương phê duyệt.
Quá trình điều chỉnh giá điện sẽ được thực hiện trên cơ sở xử lý Quỹ bình ổn giá điện. Trường hợp phải tăng giá điện, trước hết sẽ "xả quỹ" bình ổn trước. Nếu đã trích Quỹ bình ổn mà giá bán điện bình quân tính toán vẫn tăng trên 5% thì EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện ở mức 5%. Trường hợp cần tăng giá bán điện trên 5%, EVN phải báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Trường hợp chênh lệch giá bán điện bình quân dưới 5%, đồng thời, chi phí sản xuất - kinh doanh điện treo lại từ các năm trước chưa được phân bổ hết vào giá điện hiện hành thì phần chi phí này sẽ được phân bổ vào giá bán điện kỳ kế tiếp để tăng giá điện lên mức tối đa 5%. Trên cơ sở báo cáo của EVN về giá thành sản xuất - kinh doanh điện của các khâu phát, truyền tải, phân phối điện, chi phí quản lý và các dịch vụ phụ trợ, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, xác nhận để quyết định về việc điều chỉnh giá bán điện và trích Quỹ bình ổn giá điện theo quy định.
Khi nào giảm giá bán điện?
Giá bán điện được tính toán, kiểm tra hàng tháng trên cơ sở biến động của các thông số đầu vào. Khi giá thành điện giảm thì trước hết sẽ ưu tiên trích Quỹ bình ổn giá. Nếu sau khi trích lập Quỹ bình ổn giá điện theo quy định mà chênh lệch giá bán điện bình quân vẫn âm 5% trở lên, EVN sẽ phải giảm giá bán điện xuống ở mức tương ứng với sự giám sát của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính. Trước ngày 25 hàng tháng, EVN báo cáo Cục Điều tiết điện lực kế hoạch vận hành tháng tiếp theo làm cơ sở cho việc kiểm tra, giám sát việc điều chỉnh giá bán điện của kỳ tới. Trước ngày 15/11 hàng năm, EVN trình Bộ Công Thương phê duyệt kế hoạch sản xuất điện và các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật cho năm tiếp theo để làm cơ sở cho điều chỉnh giá bán điện bình quân năm tiếp theo
Chủ trương điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường là động thái quan trọng nhằm đưa giá điện ngày càng công khai và minh bạch, chuẩn bị cho thị trường phát điện cạnh tranh đi vào hoạt động. Tuy nhiên, để giá điện thực sự vận hành theo cơ chế thị trường, điều người tiêu dùng quan tâm là sự rõ ràng, minh bạch trong điều tiết giá điện và sử dụng Quỹ bình ổn giá. Muốn thế, việc áp dụng cơ chế bình ổn cho giá điện cần được giám sát chặt chẽ, công khai, tránh tình trạng tăng giá thì nhanh, giảm giá thì chậm. Đặc biệt, phải tạo ra được thị trường cạnh tranh thực sự để các nhà máy phát điện phải vào cuộc đua giảm giá. Chủ trương tái cơ cấu ngành điện cũng nhằm tiến tới một thị trường cạnh tranh thật sự, giúp Nhà nước giảm gánh nặng đầu tư; các doanh nghiệp điện lực sẽ tăng tính tự chủ; khách hàng được hưởng lợi từ cơ chế cạnh tranh. Đây cũng là sức ép buộc các doanh nghiệp phải nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh để mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.