Quỹ Chăm sóc Sức khỏe Gia đình Việt Nam tổ chức hội thảo cho công nhân KCN Bắc Giang
Người lao động tại các khu công nghiệp thường xuyên làm việc trong môi trường có nhiều tác nhân gây hại đến sức khỏe trong ngắn và dài hạn. Vì thế, Quỹ Chăm sóc Sức khỏe Gia đình Việt Nam (Quỹ CSSKGĐ Việt Nam) và Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Trung ương (Bộ Y tế) đã phối hợp tổ chức hội thảo tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về chăm sóc sức khỏe chủ động dành riêng cho đối tượng công nhân tại tỉnh Bắc Giang.
Nâng cao kiến thức và kỹ năng bảo vệ sức khoẻ chủ động cho người lao động
Hội thảo được tổ chức nhằm thảo luận các vấn đề thiết thực, góp phần giúp các đại biểu là người lao động tại tỉnh Bắc Giang hiểu được vai trò của dinh dưỡng và nắm được các kiến thức, thông tin và kỹ năng hữu ích để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Hơn 200 công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã tham dự hội thảo. Nhiều thông điệp đã được các chuyên gia truyền tải để người lao động “khỏe về tinh thần, mạnh về thể chất”. Chia sẻ tại hội thảo, Th.s Vũ Mạnh Cường - Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Giáo dục sức khỏe Trung ương - bày tỏ sự lo lắng khi một bộ phận không nhỏ người lao động đang “bán sức khoẻ” để lo kinh tế cho bản thân, gia đình.
"Chúng ta đang trẻ và khoẻ nên lơ là chăm sóc sức khoẻ, thế nhưng sau này có thể chúng ta phải trả giá về sự thờ ơ với sức khoẻ của mình, về già lo dành tiền đi khám bệnh" – ThS Vũ Mạnh Cường nhấn mạnh và cho rằng, để phòng bệnh cho bản thân, mỗi người cần ăn ở sạch, tiêm vaccine phòng bệnh, áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, quản lý các bệnh không lây nhiễm (tăng huyết áp, tiểu đường...), quản lý thai sản, dinh dưỡng hợp lý...
Ông Vũ Mạnh Cường lo lắng về thực trạng “bán sức khỏe” để lo kinh tế ở một bộ phận không nhỏ người lao động. (Ảnh: Quỹ CSSKGĐ Việt Nam) |
Bắc Giang có khoảng 160 nghìn người lao động tại các khu công nghiệp với đa số là người trẻ, làm việc theo ca kíp, không thuận tiện cho việc đi khám sức khỏe, không nắm thông tin về các cơ sở khám chữa bệnh do từ nơi khác đến, trong khi lực lượng này có vai trò quan trọng trong các nhà máy, xí nghiệp tại các khu công nghiệp. Do đó, việc quan tâm, chăm sóc sức khoẻ cho người lao động là cần thiết và điều này đã được quy định cụ thể tại Luật an toàn vệ sinh lao động.
Bắc Giang là tỉnh đầu tiên trong cả nước xây dựng và vận hành Trung tâm Y tế tại các khu công nghiệp với các nhiệm vụ: Giám sát mọi hoạt động y tế tại doanh nghiệp trong các khu công nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp triển khai thực hiện hoạt động phòng, chống dịch bệnh, phòng chống bệnh không lây nhiễm và đảm bảo an toàn vệ sinh lao động; cung cấp dịch vụ chuyên môn, kỹ thuật về khám chữa bệnh. Về phía người lao động cũng cần phải biết cách tự chăm sóc sức khỏe cơ bản cho bản thân có một cơ thể khỏe mạnh về mặt thể chất và thoải mái về mặt tinh thần.
Các vấn đề về dinh dưỡng người lao động cần quan tâm:
- Dinh dưỡng đầy đủ nhằm đảm bảo “An toàn lao động – vệ sinh lao động”
Thạc sĩ Hoàng Sách Đình – Chuyên gia Dinh dưỡng, thành viên đại diện Quỹ CSSKGĐ Việt Nam – cho biết dinh dưỡng hợp lý là nền tảng của sức khoẻ, trí tuệ và tầm vóc, thể lực. Việc tăng cường dinh dưỡng góp phần năng cao sức đề kháng để phòng chống bệnh tật, giúp người lao động luôn tập trung, giảm thiểu rủi ro tai nạn và tăng năng suất lao động.
Th.s Hoàng Sách Đình chia sẻ về xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng. (Ảnh: Quỹ CSSKGĐ Việt Nam) |
Thay vì ăn qua loa, ăn bên ngoài, ông Đình khuyên công nhân nên cố dành thời gian chế biến bữa cơm tại nhà: “Công nhân khi trở về nhà hoàn toàn có thể chế biến những món ăn đơn giản mà vẫn đảm bảo 4 nhóm thực phẩm: Tinh bột (cơm, bánh mì); đạm (trứng, thịt, đậu,...); chất béo và chất xơ, vimtamin khoáng chất đến từ rau, củ, quả. Rau, củ, quả nên xuất hiện trong 3 bữa/ngày hoặc tối thiểu 1 bữa/ngày. Các nguồn thực phẩm hiện nay vô cùng đa dạng, phong phú. Đồ ăn đắt hay rẻ không quan trọng, miễn là đảm bảo được 4 nhóm thực phẩm nêu trên nhằm cân bằng và bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng”.
- Chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho người lao động
Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người lao động cũng được bác sĩ Hồ Mai Hoa - Chuyên gia về sản khoa – đề cập và nhấn mạnh, hiểu biết và thực hành khoa học về chăm sóc sức khoẻ sinh sản không chỉ giúp mỗi người có một sức khoẻ sinh sản tốt, không mắc các bệnh lây qua đường tình dục, chủ động quyết định thời gian sinh con mà còn góp phần duy trì được hạnh phúc gia đình.
Đại biểu phấn khởi với phần chia sẻ thú vị của các chuyên gia. (Ảnh: Quỹ CSSKGĐ Việt Nam) |
Chị Nông Thị Hạ (35 tuổi) hiện đang là công nhân tại xã Vân Trung chia sẻ, công việc hằng ngày vốn bận rộn nên khi trở về nhà, chị tranh thủ nấu cơm nhanh nhất có thể và gần như không để tâm đến giá trị dinh dưỡng của từng bữa ăn: “Tôi rất ấn tượng bởi cách bác sĩ, chuyên gia y tế trao đổi. Các ví dụ sinh động, trực quan, lối chia sẻ gần gũi, thân thiện, thực tế và dễ áp dụng trong cuộc sống. Qua buổi hội thảo, tôi mong muốn cải thiện thực đơn dinh dưỡng trong các bữa cơm hằng ngày, đảm bảo sức khoẻ cho bản thân và gia đình”.
Chị Chu Thị Thuý (31 tuổi) hiện đang làm việc tại xã Quang Châu cũng nhận thấy, bản thân quá lơ là đến sức khoẻ dinh dưỡng và sức khoẻ sinh sản: “Sau buổi hội thảo, điều đầu tiên mình cần áp dụng là xây dựng chế độ, bữa ăn dinh dưỡng cho cả gia đình, đặc biệt là con nhỏ mới 13 tháng. Đồng thời, chăm sóc cơ thể, đảm bảo sức khoẻ sinh sản cho bản thân để có cuộc sống tinh thần tốt hơn”.
Những chia sẻ chân tình của các đại biểu có mặt tại hội thảo đã phản ánh hiệu quả truyền thông của chương trình khi khơi dậy được sự quan tâm và tạo động lực thay đổi cải thiện sức khỏe chủ động từ bữa ăn dinh dưỡng mỗi ngày.
Từ tháng 3 đến nay, Quỹ CSSKGĐ Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Trung ương (Bộ Y tế) đã tổ chức thành công 6 hội thảo tập huấn truyền thông về nâng cao kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe chủ động dành cho các đối tượng như phụ nữ, thanh niên, người cao tuổi, công nhân KCN… Chuỗi hội thảo diễn ra tại Bình Dương, Quảng Nam, Thanh Hóa, Đắk Lắk, An Giang và Bắc Giang với hơn 1200 người tham dự.