Quý cuối của năm, cuộc đua tiền gửi không kỳ hạn ngày càng gay cấn
CASA (Current Account Savings Account) là loại tiền gửi không kỳ hạn hay tiền gửi khách hàng để trong tài khoản thanh toán. Đây chính là loại tiền gửi ngân hàng mà khách hàng chủ động gửi, thực hiện thanh toán thường xuyên và hưởng lãi suất không kỳ hạn. Thông thường, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp hơn rất nhiều so với tiền gửi có kỳ hạn, chỉ giao động ở quanh mức 0,1 - 0,5 %/năm.
Tỷ lệ CASA là một trong những chỉ số quan trọng nhất để đánh giá tiềm lực của một ngân hàng. Chỉ số này thể hiện khả năng huy động vốn rẻ của ngân hàng, phản ánh khả năng sinh lời hoặc khả năng tạo ra lợi nhuận của ngân hàng.
Hiện, các ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn/tổng tiền gửi khách hàng càng lớn thì càng có nhiều cơ hội cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM). Đây cũng là tiền đề giúp ngân hàng có lợi thế lớn trong cuộc cạnh tranh lãi suất cho vay.
Nếu như một năm trước, môi trường lãi suất cao là lý do chính khiến CASA toàn thị trường sụt giảm thì 2024 được cho là năm mà các ngân hàng sẽ có “thuận lợi kép” để cải thiện chi phí vốn. Theo đó, cuộc đua gia tăng tỷ lệ CASA đang ngày càng trở nên gay cấn trong hệ thống ngân hàng. Mặt bằng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn duy trì ở mức thấp là điều kiện tác động tích cực lên tỷ lệ CASA ở nhiều nhà băng tăng trưởng tích cực trong 9 tháng đầu năm nay.
Thống kê từ báo cáo tài chính của các ngân hàng trong quý 3/2024 cho thấy, chỉ số CASA đã có sự biến động đáng kể. Theo đó, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) công bố lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm nay đạt 22.800 tỷ đồng, tổng thu nhập hoạt động đạt 37.400 tỷ đồng, tăng lần lượt 33,5% và 28,9% so với cùng kỳ. Ngân hàng tiếp tục thuộc nhóm dẫn đầu về tỷ lệ CASA đạt 40,5%, nhờ số dư CASA đạt mức cao kỷ lục 200.000 tỷ đồng.
Đại diện Techcombank cho biết, ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tích cực của huy động tiền gửi từ khách hàng là do ngay từ đầu năm 2024 đã ra mắt tính năng “kỷ nguyên sinh lời tự động”, thu hút sự quan tâm và sinh lợi tốt nhất cho khách hàng... Tính chung tiền gửi của khách hàng tại Techcombank trong 9 tháng đầu năm nay đạt 495,0 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9% so với đầu năm và 21,0% so với cùng kỳ năm trước.
2024 là năm các ngân hàng sẽ có “thuận lợi kép” để cải thiện chi phí vốn. Ảnh: Quỳnh Thư |
Tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), với nền tảng công nghệ thông tin được đầu tư tiêu chuẩn cùng chiến lược hấp dẫn khách hàng trên hệ sinh thái số đa dạng, MB đã duy trì đà tăng trưởng khách hàng bền vững qua từng năm.
Kết thúc quý 3/2024, tổng tài sản hợp nhất của MB đạt 1.028.819 tỷ đồng, tăng 8,9% so với năm 2023, đưa MB góp mặt trong nhóm doanh nghiệp có tổng tài sản trên 1 triệu tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế toàn tập đoàn đạt 20.736 tỷ đồng, tăng 3.6% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó riêng ngân hàng đạt 20.030 tỷ đồng, tăng trưởng 6,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng mức tiền gửi tại MB đạt hơn 627 nghìn tỷ đồng, trong đó tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trong tổng tiền gửi đạt trên 35% với số dư hơn 223 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ này tương đương quý 1/2024 nhưng giảm so với mức 38% của quý 2. Với kết quả này, đến thời điểm hiện tại, MB giữ vị trí á quân về tỷ lệ CASA.
Nói về CASA, lãnh đạo Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho hay, đã đẩy mạnh các giải pháp thu hút tiền gửi thông qua gia tăng tiện ích cho khách hàng như triển khai chiến dịch “Đồng minh thông thái” - cung cấp giải pháp, tiện ích quản lý cửa hàng cho các hộ kinh doanh; nâng cấp các dịch vụ tài chính cao cấp dành cho nhóm khách hàng ưu tiên. Nhờ đó, CASA của ACB trong 9 tháng đầu năm nay đạt 114 nghìn tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2023, tiếp tục là một trong những ngân hàng bán lẻ có tỷ lệ CASA cao nhất thị trường ở mức 22,2%.
Tính đến 30/9, tín dụng của ACB đạt 555 nghìn tỷ đồng, huy động đạt 512 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 13,8% và 6,1% so với đầu năm. Đáng chú ý là mức tăng trưởng tín dụng cao gấp 1,5 lần so với bình quân ngành và là mức tăng ròng cao nhất trong 10 năm qua. Điều này cũng cho thấy, ACB tiếp tục giữ vững ưu thế trong mảng bán lẻ và thực hiện chiến lược tăng trưởng cân bằng giữa cá nhân và doanh nghiệp khá tốt khi ghi nhận lũy kế tín dụng mảng doanh nghiệp trong 9 tháng qua có tốc độ hơn 15%.
Lợi nhuận trước thuế của ACB trong 9 tháng đầu năm là 15,3 nghìn tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so cùng kỳ, chủ yếu từ tăng trưởng quy mô tín dụng, phí dịch vụ và quản lý chi phí hiệu quả.
Tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), trong 9 tháng đầu năm, MSB ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt hơn 4.900 tỷ đồng, hoàn thành 72% kế hoạch năm. Tăng trưởng kết quả kinh doanh 9 tháng của ngân hàng được ghi nhận nhờ thu nhập lãi thuần. Theo đó, thu nhập lãi thuần đạt gần 7.105 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ, nâng tổng thu nhập hoạt động (TOI) hợp nhất sau 9 tháng đạt gần 9.970 tỷ đồng. Thu nhập ngoài lãi chiếm gần 29% tổng thu nhập với sự đóng góp từ các mảng như thẻ tín dụng, ngoại hối,…
Tiền gửi của khách hàng lũy kế 9 tháng đạt gần 148.500 tỷ đồng, tăng hơn 12% so với đầu năm. Chỉ số này được dẫn dắt bởi tiền gửi của cá nhân với 79.470 tỷ đồng. Số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt gần 36.000 tỷ đồng. Mặt khác, tiền gửi có kỳ hạn tăng gần 16% từ mốc 97.230 tỷ đồng cuối năm ngoái lên gần 112.500 tỷ đồng cuối quý III. Vì vậy, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trong tổng tiền gửi (% CASA) trong quý III giảm nhẹ còn 24,23%.
Tính đến hết ngày 30/9, tổng huy động từ các tổ chức, cá nhân trong nước và các tổ chức tài chính quốc tế của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) đạt gần 178,666 tỷ đồng, tăng gần 2% so với năm 2023. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn của Ngân hàng tăng trưởng ấn tượng đạt 20,677 tỷ đồng, tăng 24% so với 31/12/2023 và chiếm 13,46% huy động từ tiền gửi của khách hàng.
Cùng với việc phát triển mạnh CASA, SeABank cũng nỗ lực trong việc duy trì đà tăng trưởng. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế 9 tháng của ngân hàng đạt 4.508 tỷ đồng, tăng ròng 1.352 tỷ đồng, tương ứng tăng 43% so với cùng kỳ năm 2023.
Với Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), sau 9 tháng kinh doanh, ngân hàng ghi nhận thu thuần từ dịch vụ tăng dần qua các quý, đặc biệt trong quý III/2024 tăng 32,4% lên mức 199 tỷ đồng nhờ hoạt động chuyển đổi số mạnh mẽ. Đây là chiến lược luôn được ngân hàng đặc biệt ưu tiên nhằm tạo sự khác biệt trên thị trường. Cụ thể, chỉ sau 4 tháng ra mắt ứng dụng OCB OMNI thế hệ mới, tính đến 30/9/2024, số lượng giao dịch trên nền tảng này đã tăng 71% so với cùng kỳ, CASA tăng 26% và tiền gửi có kỳ hạn (eSaving) tăng 37%.
Giới chuyên gia dự báo, tỷ lệ CASA trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng, khi nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục, thu nhập của người dân tốt hơn, tiền nhàn rỗi trong tài khoản thanh toán sẽ nhiều hơn.
Nhấn mạnh tỷ lệ CASA cao sẽ giúp cho giá vốn ngân hàng thấp, biên lợi nhuận cao hơn, TS. Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế - cho rằng, có thể lạc quan vào kết quả kinh doanh năm 2024 của ngành ngân hàng nói chung, các ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nói riêng.
Chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cũng khẳng định, CASA có vai trò quan trọng mang lại lợi ích kép cho ngân hàng khi vừa mở rộng khách hàng, vừa tranh thủ được nguồn vốn rẻ. CASA sẽ là trợ lực để các nhà băng giảm bớt phần nào áp lực chi phí hoạt động.