CôngThương - Dự thảo Nghị định sắp xếp, đổi mới các công ty nông - lâm nghiệp mới hướng tới việc chuyển các công ty lâm nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, theo đó sẽ cổ phần hóa 60 công ty, giải thể 7 công ty. Khuyến khích thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên để gắn kết phát triển vùng nguyên liệu và người dân trong vùng với phát triển công nghiệp chế biến và thị trường. Ngoài ra, sẽ giải thể công ty lâm nghiệp thuộc một trong những trường hợp sau: kinh doanh không hiệu quả, lỗ 3 năm liên tiếp, khoán trắng, quy mô diện tích nhỏ dưới 1.000ha, phân bổ xen kẽ với đất nông nghiệp…
Theo kế hoạch, trong tháng 7 và 8 sẽ lấy ý kiến góp ý, thẩm định và tiếp thu hoàn thiện Dự thảo Nghị định sắp xếp, đổi mới các công ty nông - lâm nghiệp, dự kiến tháng 9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ trình Chính phủ. |
Góp ý vào dự thảo, ông Vũ Long - chuyên gia chính sách nông nghiệp - cho biết, trong điều 11, quy định cổ phần hóa các công ty lâm nghiệp nhà nước nắm giữ cổ phần từ 65% vốn điều lệ trở lên tính khả thi thấp, bởi nhà nước nắm giữ tỷ lệ quá cao sẽ kém hấp dẫn với các nhà đầu tư tiềm năng. Mặt khác, khi công ty lâm nghiệp đã chuyển sang thuê đất rừng sản xuất thì vốn điều lệ không còn bao nhiêu, vì vậy, quy định tỷ lệ 65% cổ phần nhà nước nắm giữ cũng không có ý nghĩa. Ông Long nhìn nhận, rất ít công ty lâm nghiệp có điều kiện thu hút các thành phần kinh tế khác để thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên.
Theo PGS.TS Triệu Văn Hùng - Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Việt Nam, cần xem xét lại quy định về cổ phần hóa công ty nông - lâm nghiệp; cần làm rõ cơ sở nào đưa ra quy định này và có nhất thiết phải để nhà nước nắm giữ 65% vốn điều lệ trở lên hay không? Trong khi đó, ở Khoản 2 Điều 11 quy định: Các công ty chủ yếu sản xuất giống cây lâm nghiệp và dịch vụ nông lâm thì nhà nước không giữ cổ phần chi phối, thậm chí có thể không giữ cổ phần. Nên chăng, quy định ngược lại giữa hai khoản này có vẻ hợp lý hơn.