Quy hoạch phân khu Ga Hà Nội 10 năm chưa xong: Trách nhiệm thuộc về ai?
Ngày 12/6/2014, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã ký Quyết định số 3140/QĐ-UBND phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu đô thị Khu vực Ga Hà Nội và phụ cận, tỷ lệ 1/2.000. Quy mô nghiên cứu với diện tích đất là 94ha, dân số khoảng 20.000 người. Mục tiêu quy hoạch là cụ thể hóa định hướng của đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nộiđến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050… Thời gian lập quy hoạch phân khu không quá 9 tháng và phù hợp với yêu cầu về kế hoạch, tiến độ của TP. Hà Nội.
Ngày 8/4/2016, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội ký hợp đồng dịch vụ tư vấn với Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd của Nhật Bản.
Đầu năm 2017, Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd đã hoàn thiện đồ án dựa trên ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố để báo cáo thành phố. Với những động thái trên những tưởng quy hoạch phân khu đô thị Khu vực Ga Hà Nội dù có chậm so với kế hoạch những cũng đã đến giai đoạn hoàn thành.
Thế nhưng, do việc triển khai tiếp theo rất chậm nên đồ án lại rơi vào tình huống ''khó''. Tháng 10/2021, sau 4 năm đồ án không được phê duyệt thì xuất hiện tình huống mới là quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia được Thủ tướng phê duyệt làm thay đổi định hướng khu vực Ga Hà Nội. Điều này đã buộc Hà Nội phải điều chỉnh lại nhiệm vụ quy hoạch phân khu đô thị Ga Hà Nội và phụ cận.
Ga Hà Nội. (Ảnh: vietnamplus.vn) |
Trước tình hình đó, ngày 13/4/2022, Văn phòng, UBND TP. Hà Nội ra Thông báo số 142/TB-VP, nêu ý kiến, chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn. UBND TP. Hà Nội giao Sở Quy hoạch - Kiến Trúc chủ trì, phối hợp, hướng dẫn các đơn vị nghiên cứu điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch. Theo đó, ranh giới quy hoạch nên thu hẹp. Nghiên cứu định hướng chức năng khu vực Ga Hà Nội trở thành Trung tâm văn hoá, dịch vụ thương mại, du lịch tổng hợp… hình thành trung tâm dịch vụ, văn hoá, thương mại, du lịch tổng hợp, bảo tồn tôn tạo, phát huy giá trị công trình kiến trúc Pháp có giá trị kiến trúc trước năm 1954; phát triển không gian kiến trúc cảnh quan đặc sắc, nghiên cứu xem xét có thể cao hơn 18 tầng theo như phương án hiện đang đề xuất…
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội, ngày 27/7/2023, Sở Quy hoạch - Kiến Trúc có văn bản số 3507/QHKT-NĐ-KHTH-HTKT gửi UBND TP. Hà Nội báo cáo: Xin ý kiến chủ trương việc điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch phân khu ga Hà Nội. Về quy trình điều chỉnh, Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd là đơn vị tư vấn lập nhiệm vụ quy hoạch phân khu…
Ngày 16/8/2023, Văn phòng UBND TP. Hà Nội ra Thông báo số 9342/VP-ĐT, thông báo ý kiến của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn đồng ý với những đề xuất trên: “Thống nhất việc tiếp tục triển khai nghiên cứu lập điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch phân khu đô thị khu vực Ga Hà Nội và phụ cận, tỷ lệ 1/2000 theo đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến Trúc văn bản số 3507/ QHKT-NĐ-KHTH-HTKT”.
Giữa tháng 1/2024, trong Hội nghị phổ biến nội dung “Quy định một số nội dung về quản lý quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và kiến trúc trên địa bàn thành phố Hà Nội”, ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh - Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội cho biết, đối với quy hoạch đô thị trung tâm, Thành phố đã đã hoàn thành phê duyệt 35/35 đồ án quy hoạch phân khu với tổng diện tích khoảng 62.261,75ha; tỷ lệ đạt 100%.
Dư luận hết sức vui mừng trước thông tin trên, những tưởng sau 10 năm quy hoạch phân khu đô thị khu vực Ga Hà Nội và phụ cận đã được phê duyệt. Thế nhưng, ngày 26/4/2024 trong một văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội, lãnh đạo Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội lại khẳng định: “Đến nay, quy hoạch phân khu đô thị khu vực Ga Hà Nội và phụ cận chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt”.
Có thể thấy, suốt 10 năm qua, các cơ quan chức năng TP. Hà Nội vẫn đang loay hoay và chưa thể thực hiện xong quy hoạch phân khu đô thị khu vực Ga Hà Nội và phụ cận.
Sự việc trên kéo dài đã gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng trực tiếp tới việc xây dựng, chỉnh trang đô thị; sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và đặc biệt là tác động trực tiếp tới đời sống của các hộ dân nằm trong diện quy hoạch.
Đâu là nguyên nhân và ai là người phải chịu trách nhiệm trước sự chậm trễ nói trên? Vấn đề này rất cần một cuộc thanh tra để làm rõ, đồng thời xem xét trách nhiệm, tập thể để xảy ra sự chậm trễ này.