Quý III/2024, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp ước tăng 9,59%
Ổn định tăng trưởng
Tại buổi họp báo, ông Bùi Huy Sơn - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Công Thương cũng thông tin, tiếp tục đà tăng trưởng từ cuối năm 2023, sản xuất công nghiệp trong quý III/2024 tăng trưởng tích cực hơn quý trước, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp ước tăng 9,59% so với quý III/2023.
Tính chung 9 tháng năm 2024, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 8,34% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 2,71 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 9,76% (quý I tăng 7,21%; quý II tăng 10,39%; quý III tăng 11,41%), đóng góp 2,44 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế (GDP 9 tháng ước tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,11%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,83%, đóng góp 0,06 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 7,01%, làm giảm 0,22 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì họp báo. Ảnh: Cấn Dũng |
Trong tháng 9/2024, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi) đã làm đứt mạch tăng trưởng sản xuất sau 5 tháng tăng liên lục, khiến chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 9 giảm xuống dưới ngưỡng 50 điểm (đạt 47,3 điểm so với mức 52,4 điểm của tháng 8). Do vậy, chỉ số sản xuất công nghiệp (chỉ số IIP) trong tháng 9/2024 có sự giảm nhẹ so với tháng trước (giảm 0,2%).
Tuy nhiên, nhờ đà phục hồi tích cực của sản xuất công nghiệp trong những tháng vừa qua nên chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 9/2024 vẫn tăng tới 10,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 9 tháng năm 2024, chỉ số IIP ước tính tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 chỉ tăng 0,3%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,9% (cùng kỳ năm 2023 chỉ tăng 0,2%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,1% (cùng kỳ năm 2023 tăng 2,6%); ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,9% (cùng kỳ năm 2023 tăng 4,9%); riêng ngành khai khoáng giảm 6,5% (cùng kỳ năm 2023 giảm 3%).
Cũng theo Bộ Công Thương, 9 tháng năm 2024, sản xuất công nghiệp tăng trên diện rộng khi chỉ số IIP trong 9 tháng tăng ở 60/63 địa phương. Đặc biệt, một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao ở mức hai con số do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hoặc ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao (chỉ số IIP của Lai Châu tăng 43,3%; Trà Vinh tăng 41,9%; Phú Thọ tăng 38,7%; Khánh Hòa tăng 36,4%; Bắc Giang tăng 27,7%; Sơn La tăng 27,3%; Thanh Hoá tăng 20,4%...).
Bên cạnh đó, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 9 tháng năm 2024 tăng tới 12,5% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 chỉ tăng 0,6%). Trong khi đó, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/9/2024 tăng 5,2% so với cùng thời điểm tháng trước và chỉ tăng 8,5% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng tới 19,4%). Đồng thời, tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 9 tháng năm 2024 là 76,8% (so với mức bình quân 9 tháng năm 2023 là 85,3%)... là những dấu hiệu cho thấy sự phục hồi tích cực của sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Chạy nước rút về đích
Bộ Công Thương đánh giá, quý IV/2024 là thời điểm ‘'vào mùa’' của nhiều ngành sản xuất nhằm phục vụ cho các kỳ nghỉ, lễ tết, sản xuất có khả năng duy trì ở mức độ cao. Do vậy, sản xuất công nghiệp có khả năng tăng tốc tăng trưởng.
Sản xuất công nghiệp trong quý III/2024 tăng trưởng tích cực hơn quý trước, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp ước tăng 9,59% so với quý III/2023. |
Tuy nhiên, giá cước vận tải biển chưa có xu hướng hạ nhiệt; những tác động tiêu cực của siêu bão Yagi đối với hoạt động sản xuất trong nước sẽ là khó khăn, thách thức không hề nhỏ đối với sản xuất công nghiệp.
Để vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội, Bộ Công Thương đưa ra nhiều giải pháp giúp ngành cơ hội thúc đẩy tăng trưởng và hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm 2024.
Trong đó, chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng thể chế. Triển khai hiệu quả các Kế hoạch thực hiện Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản đã được phê duyệt; tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp có tính nền tảng.
Hoàn thành có chất lượng và đúng thời hạn các nhiệm vụ được giao tại chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của ngành Công Thương năm 2024. Đặc biệt là các dự án sửa đổi, bổ sung các luật (Luật Điện lực (sửa đổi), Luật Hóa chất, hồ sơ xây dựng Luật phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả) và các chiến lược, kế hoạch phát triển ngành.
Khẩn trương hoàn tất trình Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực năng lượng (điện, xăng dầu) như khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, cơ chế điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, chính sách phát triển điện gió ngoài khơi, cơ chế giá điện 2 thành phần, cơ chế khung giá các loại hình điện năng.
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm cơ cấu lại ngành Công Thương dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án hạ tầng trọng điểm, khơi thông rào cản về thủ tục hành chính để triển khai các dự án sản xuất, khai khoáng mới, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Tiếp tục tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, nhất là những khó khăn của doanh nghiệp do ảnh hưởng của cơn bão số 3 để đưa các dự án công nghiệp lớn, có vai trò quan trọng đi vào vận hành nhằm gia tăng năng lực sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường xuất nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, phụ tùng, linh kiện phục vụ cho sản xuất, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.