Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy cho biết, trong năm 2014, cả nước có thêm 3 dự án xi măng đi vào vận hành, nâng tổng số dây chuyền sản xuất xi măng lên 74, với tổng công xuất thiết kế là 77,35 triệu tấn. Xét về sản lượng, Việt Nam hiện đứng thứ 9 trong nhóm 10 nước sản xuất xi măng lớn nhất thế giới năm 2014, chiếm trên 1,7% tổng sản lượng toàn thế giới (ước tính khoảng 4,14 tỷ tấn).
Cũng theo tính toán của Bộ Xây dựng, lượng CO2 thải ra trong lĩnh vực sản xuất xi măng là 55,6 triệu tấn vào năm 2014 và 65 triệu tấn vào 2015. CO2 là thành phần chính của khí nhà kính, gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Nhằm giải quyết vấn đề trên, Quỹ Phát triển Bắc Âu đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng và phát triển Kế hoạch hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (kế hoạch NAMA) trong lĩnh vực sản xuất xi măng. Sau hơn 1 năm chuẩn bị, các chuyên gia ước tính, đến năm 2030, lượng khí nhà kính sẽ giảm từ 138 - 166 triệu tấn, góp phần vào nỗ lực chung nhằm hạn chế tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam.
Bà Martina Jagerhorn, Giám đốc khu vực, Quỹ phát triển Bắc Âu (NDF), cho biết: “Việt Nam có những cơ hội tuyệt vời để giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Với nỗ lực hỗ trợ Việt Nam, tôi hy vọng rằng kế hoạch NAMA sẽ đạt được hiệu quả. Chúng tôi cũng hỗ trợ Việt Nam kêu gọi vốn để thực hiện giảm phát thải khí nhà kính”.
Để hỗ trợ xây dựng kế hoạch NAMA, bên cạnh tài trợ của NDF, một nhóm các chuyên gia Việt Nam và nước ngoài đã thực hiện kế hoạch sẵn sàng thực thi NAMA. Kế hoạch được thực hiện từ tháng 3/2014 nhằm thu thập dữ liệu của ngành xi măng. Đồng thời, nhóm cố vấn cũng xây dựng các kịch bản ước tính hiệu quả của kế hoạch NAMA và đưa ra các đề xuất nhằm thực thi NAMA hiệu quả.
Kế hoạch này cần có sự tham gia của nhiều thành phần, trong đó, doanh nghiệp xi măng là đối tượng chính thực hiện những giải pháp giảm phát thải khí nhà kính. Theo ý kiến của các doanh nghiệp, ngoài đầu tư về mặt tài chính và thể chế, chính sách, doanh nghiệp cũng cần hỗ trợ về mặt công nghệ.