Quyết liệt và chủ động hơn trong đối mặt với dịch Covid-19 “pha hai”
Tin hoạt động 20/03/2020 21:09
Cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Công Thương tập trung bàn nhiều giải pháp ứng phó với tác động của dịch bệnh thời gian tới |
Không chủ quan lơ là, không để bị động bất ngờ
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Bộ Công Thương đã quán triệt tinh thần này tại cuộc họp của Ban chỉ đạo ngày 20/3/2020 tại Hà Nội. Báo cáo của Ban chỉ đạo nhìn nhận, với tinh thần quán triệt sâu sắc yêu cầu vừa phòng chống dịch, vừa tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong khi tuyệt đối không chủ quan lơ là, thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, có các phương án, giải pháp phù hợp nhằm ứng phó với mọi tình huống, không để bị động bất ngờ. Tới thời điểm này tất cả các giải pháp được Bộ Công Thương mà trực tiếp là Ban chỉ đạo của Bộ Công Thương đưa ra đã được các đơn vị triển khai quyết liệt, nghiêm túc với nỗ lực và tinh thần trách nhiệm rất cao nên đã thu được những kết quả tích cực.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ phải vào cuộc quyết liệt hơn, chủ động hơn |
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trao đổi với báo giới về các giải pháp của ngành Công Thương trong việc bảo đảm thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ |
Tuy nhiên, Ban chỉ đạo cũng nhìn nhận trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh trên thế giới được dự báo tiếp tục có những diễn biến phức tạp và trên diện rộng. Ở trong nước, công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh đã và đang thực hiện rất quyết liệt nhưng vẫn đặt trước áp lực lớn. Trong bối cảnh đó hướng chỉ đạo của Bộ Công Thương được tập trung vào một số trọng tâm.
Một là tiếp tục kiểm tra, kiểm soát tốt thị trường, đặc biệt là đối với các mặt hàng thiết yếu và vật phẩm y tế phục vụ phòng chống dịch của người dân.
Hai là tổ chức sản xuất, cung ứng đầy đủ khẩu trang vải phục vụ nhu cầu của người dân theo các tiêu chuẩn và khuyến nghị của ngành y tế.
Ba là chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm cân đối hàng hóa và tổ chức cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ Nhân dân trong các tình huống diễn biến xấu của dịch bệnh.
Bốn là xử lý các khó khăn vướng mắc cho sản xuất và xuất nhập khẩu, trong đó đặc biệt lưu ý tới các diễn biến mới tại khu vực châu Âu, Hoa Kỳ.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng tình hình đang đòi hỏi những kịch bản mới đủ mạnh, do vậy cần có phân tích sâu hơn, cập nhật hơn để có kịch bản phù hợp hơn với tình hình thưc tế.
“Bất luận tình hình thế nào, Bộ Công Thương có trách nhiệm và vai trò rất lớn trong việc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Cần hành động với tinh thần quyết liệt hơn, chủ động hơn”- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Yếu tố nữa trong điều hành được Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đặt ra với các đơn vị chức năng là việc đề xuất các giải pháp, kịch bản ứng phó với dịch Covid-19 thời gian tới cần gắn giữa nhiệm vụ, chức năng của các đơn vị trong bối cảnh tình hình mới.
“Nóng” câu chuyện thị trường Âu Mỹ
Cách đây ít ngày, tại cuộc họp của Chính phủ với các tập đoàn kinh tế tư nhân, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh có một nhận xét rất đáng chú ý là trong bối cảnh dịch bệnh Covid diễn biến phức tạp không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước, nhiều khu vực trên thế giới, nó có thể khiến các nước áp dụng nhiều giải pháp cực đoan, ngăn chặn sự luân chuyển về kinh tế và thương mại.
Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Công Thương tham dự cuộc họp của Ban chỉ đạo |
Và tình hình chuyển biến trong mấy ngày gần đây đã minh chứng cho nhận định nói trên của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đặc biệt lại xảy ra tại hai thị trường trọng điểm của Việt Nam là Hoa Kỳ và EU. Mặc dù như thông tin của Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ đưa ra tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 của Bộ Công Thương cho thấy sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội xác nhận Hoa Kỳ không đặt ra rào cản nào với việc tiếp cận thị trường này với hàng hóa Việt Nam cũng như việc EU phong tỏa biên giới trước mắt không ảnh hưởng đến luồng hàng hóa của Việt Nam song trên thực tế xuất hiện nhiều diễn biến đáng lo.
Đó là việc 2-3 ngày gần đây các doanh nghiệp trong nước liên tục nhận được đề nghị giãn, lùi tiến độ giao hàng từ các đối tác Mỹ và EU, nhất là các doanh nghiệp dệt may. Với số liệu được Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đưa ra cho thấy dệt may Việt Nam có đến 95% dành cho xuất khẩu, còn lại là tiêu thụ ở trọng nước thì những diễn tiến trên rõ ràng đặt ra nhiều thách thức mới.
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Dương Duy Hưng báo cáo về kết quả triển khai các nhiệm vụ của Ban chỉ đạo |
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Nguyễn Cẩm Trang báo cáo về các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu |
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, việc một số khách hàng Âu, Mỹ giãn tiến độ giao hàng có thể được coi là một trong ba phát sinh mới của thị trường ở “pha hai” dịch Covid-19 bên cạnh hai phát sinh khác là biến động về nhân lực và các diễn biến mới ở cửa khẩu với Lào và Campuchia.
Bởi vậy, theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, ngay đầu tuần tới Cục sẽ có cuộc họp với các doanh nghiệp ngành dệt may để tìm cách tháo gỡ khó khăn. Cùng với đó Cục sẽ phối hợp với các đơn vị rà sát tình hình các thị trường mới còn nhiều dư địa để mở thêm “lối ra”. Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng sẽ đặt vấn đề phối hợp cùng các doanh nghiệp có các giải pháp xuất khẩu trở lại tại các thị trường lâu nay vẫn là thị trường ruột của Việt Nam như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản trong bối cảnh các nước này ít nhiều đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Bộ Công Thương cũng đã có văn bản hỏa tốc gửi Bộ Giao thông Vận tải đề nghị có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về chi phí cầu đường, bến bãi.
Từ góc độ người đứng đầu ngành Công Thương cả nước, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, dịch Covid-19 đang ngày càng phức tạp đặt ra nhiều vấn đề mới. Không chỉ các mặt hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ… mà còn các ngành như điện tử, chế biến… cũng sẽ dần ảnh hưởng theo do nhu cầu toàn cầu sụt giảm.
Bộ trưởng lưu ý, từ câu chuyện với thị trường Trung Quốc mới chỉ ách tắc thông quan tại cửa khẩu biên giới đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất nhập khẩu của Việt Nam. Nếu để các thị trường trọng điểm trong đó có Hoa Kỳ và EU rơi vào tình trạng tương tự thì tác động đến kinh tế và thương mại của Việt Nam là rất lớn. Từ góc độ đó Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị cần khẩn trương có đánh giá và xây dựng kế hoạch ứng phó với các diễn biến mới ở các khu vực thị trường đang và sẽ có khả năng diễn biến phức tạp về dịch bệnh, đặc biệt là các thị trường là bạn hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam như châu Âu, Hoa Kỳ và một số thị trường khu vực châu Á.
Cần đặt ưu tiên cao hơn cho các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Liên quan đến việc thực hiện mục tiêu kép mà Chính phủ đã xác định là vừa bảo đảm chống dịch, vừa bảo đảm phát triển kinh tế xã hội, trong bối cảnh mới, thời gian tới đây cần có các ưu tiên cao hơn cho các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Những nội dung nêu tại cuộc họp của Ban chỉ đạo thu hút sự quan tâm của báo giới |
Như Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phân tích, tình hình mới liên quan đến các diễn tiến của dịch bệnh ở trong và ngoài nước đã cho thấy các tác động rất lớn đến các doanh nghiệp trong hoạt động. Bộ trưởng đã giao các vụ chức năng nghiên cứu các tác động để có thông tin báo cáo Chính phủ cũng như cộng đồng doanh nghiệp để ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong việc tái cơ cấu để tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
Bộ trưởng cũng giao các Thứ trưởng phụ trách ngành trực tiếp làm việc với các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp để có các giải pháp đúng và trúng, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng các ngành hàng quan trọng, thế mạnh của Việt Nam.
Theo Bộ trưởng nhiều nhóm giải pháp do Bộ đề xuất bước đầu đã được Chính phủ nghiên cứu và thực hiện. Trong khung cảnh các diễn tiến mới của dịch bệnh, Bộ trưởng yêu cầu các vụ chức năng tiếp tục nghiên cứu để có các giải pháp mới báo cáo Chính phủ tại hội nghị của ngành Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức vào đầu tháng 4 tới. Trong đó đặc biệt chú ý các giải pháp, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp về bảo hiểm xã hội, thuế, các chi phí đầu vào, thuê mặt bằng, logistics và hỗ trợ tiếp cận thị trường.