Vợ cứ tưởng mình bị "bóp"
Sáng sớm, chợ Bưởi, Hà Nội đã lục đục các bà các cô đi chợ. Người bán thịt vừa pha thịt, vừa bán. Những gánh hàng rau "nhà quê" ê a khác hẳn hằng ngày. Mọi khi những gánh rau từ "nhà quê" này khó lòng mà yên ổn bán trong khu vực quy hoạch của các quầy hàng rau trong chợ. Ấy vậy mà hôm nay, các chị bán rau trong quầy hiền một cách bí hiểm. Tôi hỏi một người bán rau, chị bảo: Ôi xời, mấy ngày nay giá thì lên, lại chả có hàng. Cho chúng nó bán thoải mái, lát mình túc tắc, cũng chả đủ hàng bán đâu mà sợ".
Trong cơn bão giá rau, củ, quả vẫn là món chính.
Tôi ra cổng chợ, "túm" một chị hàng rau "nhà quê" hỏi: Các chị mang rau từ quê ra bán à? Sao mấy hôm nay rau đắt thế? Chị hàng rau "nhà quê" chan chát khiến tôi bất ngờ: Quê nào ra mà có, có mà quê Trung Quốc. Nó không có hàng sang thì biết làm sao. Đây này, bắp cải Tàu đây này, trước có 7, 8 nghìn/cân, giờ á, 15 nghìn rồi nhá, vào chợ có mà 18, 20. Đấy, vào đấy mà mua". Một bác trai cao niên đi chợ bằng xe đạp, tấp vào hỏi khẽ tôi: "Cô mua bao nhiêu tiền một cân bắp cải cho tôi mua theo với. Bà nhà tôi bị ốm, tôi đi chợ về, bà ý cứ cằn nhằn là tôi bị "bóp". Tôi cười bảo: Bác về nói với bác gái giá bắp cải đang "nhảy đầm nhảy xếch" ngoài chợ đây này...".
Tôi chưa nói hết câu, chị bán rau đã nhảy bổ vào: "Bóp bóp cái gì. Người ta tăng thì cháu cũng phải tăng thôi". Bác cao niên tần ngần một chút rồi nhờ tôi mặc cả mua nửa cân khoai tây. Giá loại khoai nhập từ Trung Quốc này cũng tăng từ 14 nghìn/cân lên 18 nghìn/cân.
Thái mỏng thịt đi
"Lượn" một vòng chợ Đông Ngạc, Hà Nội, thấy giá cũng chẳng có gì khiêm tốn hơn chợ Bưởi. Ghé vào một hàng bún chả để nghe tâm sự của một người bán hàng ăn, tôi thấy khách ăn chủ yếu là các bạn sinh viên. Chị bán hàng như trút được vào tôi, làm một tràng dài: “Chả hiểu thế nào, mà cái gì cũng tăng".
Một buổi chợ, tôi mua hàng về, mỗi cái tăng một tí, tính riêng thì thấy ít, chứ cộng vào, mình mất toi tới hơn trăm bạc. Ai lại thịt đưa nhà hàng mà tăng hơn 100 nghìn/yến, đường lên 30 nghìn/yến, dầu ăn lên 5 nghìn/can, mỳ chính lên 5 nghìn/gói. Úi giời, đến cái than hoa quạt chả đây này, cũng tăng 12 nghìn/yến, mà còn chẳng có mà mua. Bây giờ vẫn bán cho khách 15 nghìn/suất bún chả, trong khi lẽ ra phải tăng 2 nghìn/suất thành 17 nghìn thì mình không dám tăng, đành thái mỏng thịt đi, giảm chả băm mỗi suất 2 miếng. Thôi ai hiểu thì hiểu chứ không làm thế thì cũng chịu thôi".
Hết nạc vạc đến xương
Những người đi chợ buổi sáng thường là các bác hưu trí, các bà nội trợ. Họ tranh thủ đi chợ sớm để mua được những gì tươi ngon nhất. Cán bộ nhà nước, phần lớn lại đi chợ vào buổi chiều, hết giờ làm việc, trên đường về nhà thì ghé vào chợ mua. Nhưng thói quen ấy lại có sự thay đổi từ khi giá cả chen nhau lập đỉnh giá mới cao chót vót.
Bác Nguyễn Thị Tư, ở làng Nghĩa Đô, Hà Nội thở dài: Phải chuyển sang đi chợ vào buổi sẩm sẩm tối. Người ta bán hết chỗ ngon rồi, chỗ còn lại sẽ phải bán rẻ cho mình. Tôi mua miếng thịt nách hơn 3 lạng đây này, có 20 nghìn thôi. Mua ở chợ sớm, thì miếng này phải 24, 25 nghìn. Gọi là có tí đạm trên mâm cơm cho con cháu thôi, chứ nhà tôi mấy hôm nay ai nấy đều bảo nhau: Ăn hương ăn hoa là chính, để giảm béo.
"Mổ" lợn đất của cháu nội
Bên rìa chợ Nghĩa Tân, Hà Nội dù lực lượng công an phường và tự quản đã rất nỗ lực để giữ gìn trật tự an toàn giao thông, tránh ách tắc và cấm họp chợ không đúng nơi quy định, nhưng cứ vắng bóng họ, là người mua người bán ào cả ra. Giá bên hông chợ "mềm" hơn trong chợ một chút. Bà cụ chừng 70 tuổi, sau khi chọn lên chọn xuống được 3 lạng thịt lợn vai thì ngần ngừ đưa nắm tiền xu ra để trả tiền thịt.
Chị bán hàng lập tức trợn mắt: "Bà làm sao đấy, bà đưa tiền giấy đi, đưa tiền xu thế này, cháu biết tiêu vào đâu, lại rơi hết cả". "Nhưng tôi không có tiền giấy". "Không có thì đừng mua" - chị bán hàng xua xua tay bảo bà cụ đi cho chị bán cho người khác. Bà cụ trần tình: Cô ơi, tôi cắn rơm cắn rác cắn cỏ, tôi lạy cô, tiền xu cũng là tiền, sao cô lại bảo là biết tiêu vào đâu?". Chị bán hàng thấy bà cụ lý sự càng hăng máu: "Không bán chác gì hết. Không có chỗ để tiền xu thì không lấy, ra chỗ khác mà mua".
Khi mua thịt cá người dân phải đắn đo. Ảnh: Trần Hải
Mọi người xúm vào hỏi bà cụ, mỗi người một câu, người thì hiến kế: Bà vào siêu thị mà mua, ở đấy người ta nhận tiền xu đấy. Người thì bảo vào siêu thị đắt lắm, tốt nhất là ra ngân hàng mà đổi. Tôi khều khều vào tay bà cụ, nói bà ra ngoài này cháu đổi tiền cho. Bà cụ nhìn tôi đầy nghi hoặc, tay tự dưng ôm chắc cái túi nilon đựng tiền xu làm tôi cũng thấy tự ái. Rồi bà cũng theo tôi ra khỏi đám đông, lấy yên xe máy của tôi làm bàn đếm tiền. Tổng cộng các loại tiền xu được 187.500đ. Bà cụ bảo: Tháng này giá tăng nhiều quá, lại chưa đến kỳ lĩnh lương hưu, nên đành mổ lợn đất, lấy tiền tiết kiệm của cháu nội để đi chợ. Nó mà biết mình thịt lợn của nó rồi thì chắc là nó sẽ khóc ghê lắm.
Vừa được mùa, tăng ngay giá gạo
Tăng giá nhiều nhất tại các chợ ở Hà Nội lại là gạo. Trong khi miền Bắc vừa được mùa, thì giá gạo lại tăng nhiều nhất, tới 20 nghìn/yến. Đặc biệt có loại tăng tới 30 nghìn/yến. Tôi đem thắc mắc này hỏi những người bán gạo thì họ bảo: Không thấy giá gạo ở Mỹ tăng tới 25% đấy à? Ôi chao, bây giờ, tiểu thương nước mình còn "hóng hớt" giá cả ở tận trời Tây để có ứng xử với người tiêu dùng trong nước cơ đấy!
Chúng tôi khảo sát giá ở một cửa hàng bách hóa mi ni, ông chủ cửa hàng cho biết hầu hết giá các mặt hàng đều tăng: sữa bột tăng 7%. đường tăng "dã man" nhất, tới 10%, sữa tươi tăng 4%, bia lon tăng giá, bánh kẹo cũng không "đứng" im, thậm chí giấy vệ sinh cũng tăng nốt: "Từ đầu tháng 10, đã có thông báo lên giá một số mặt hàng. Nhưng sau đại lễ thì đồng loạt tăng mạnh, có lẽ vì bị cấm đường, khâu vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn, nên trong dịp đại lễ, không có hàng vào được phố.
Đến khi hết cấm đường thì chỗ nào cũng đồng loạt mua, nên xảy ra tình trạng khan hiếm tạm thời. Lợi dụng việc này, nhiều cơ sở tăng giá. Sau đó, lại đến lũ miền Trung. Thực ra, miền Trung cũng không phải là nơi cung cấp quá nhiều lương thực nông sản thực phẩm cho miền Bắc, nhưng việc hàng hóa từ Nam ra Bắc bị ách tắc mấy ngày cũng là cái cớ để giá cả vọt lên". Rồi ông này nhận định: "Từ giờ đến Tết, chuyện đuổi được bão giá chỉ là chuyện hoang đường...".
Theo các nhà cung cấp, việc tăng giá kết hợp từ nhiều yếu tố: từ tỷ giá gia tăng, giá vàng, đô la tăng mạnh tác động làm giá hàng hóa nhập khẩu tăng đến việc trữ hàng chuẩn bị Tết Tân Mão làm xu hướng này khó dừng lại. |
Theo Bee