Ông Torsten Velden (trái) - Giám đốc Nhánh Bayer CropScience - phát biểu tại buổi lễ ra mắt Câu lạc bộ Chuyên gia cà phê Bayer
Câu lạc bộ quy tụ hơn 100 thành viên là những hộ nông dân trồng cà phê đến từ Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng và Gia Lai. Câu lạc bộ được thành lập nhằm tạo nên một kênh thông tin cũng như diễn đàn giúp nhà nông trồng cà phê từ nhiều khu vực khác nhau có thể chia sẻ, cập nhật thông tin về mùa vụ, thời thiết, tình hình dịch hại trên cây cà phê, các thông tin liên quan đến thị trường trong nước và quốc tế…
“Việt Nam là nước sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới và tại Việt Nam, cà phê chỉ đứng sau gạo trong tổng giá trị nông sản xuất khẩu. Vì vậy, Bayer mong muốn góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành trồng cà phê tại Việt Nam. Với việc ra mắt Câu lạc bộ, chúng tôi mong muốn tạo nên một diễn đàn giúp người nông dân phản ánh và nâng cao sự chuyên nghiệp cũng như niềm đam mê của mình đối với công việc trồng cà phê, thông qua đó giúp gia tăng năng suất, chất lượng và lợi nhuận một cách bền vững” - ông Torsten Velden - Giám đốc Nhánh Bayer CropScience - phát biểu.
Tham gia Câu lạc bộ Chuyên gia cà phê Bayer, người nông dân còn có điều kiện tiếp cận các giải pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến trong việc quản lý sâu bệnh, cỏ dại, trao đổi kinh nghiệm gieo trồng, học hỏi những kiến thức về quy trình canh tác cà phê bền vững. Thêm vào đó, câu lạc bộ còn tạo nên một sân chơi lành mạnh với các hoạt động thi đua và giải trí bổ ích cho các thành viên sau những giờ lao động vất vả, làm phong phú thêm đời sống tinh thần, tăng cường sự giao lưu giữa nông dân trồng cà phê từ các vùng miền khác nhau, tăng thêm sự gắn kết trong cộng đồng trồng cà phê, góp phần thúc đẩy ngành hàng này phát triển mạnh hơn nữa.
Từ thành công của Chương trình Much More Rice trên cây lúa, từ năm 2013, Bayer Việt Nam đã mở rộng ứng dụng cho vụ mùa cà phê với chương trình Bayer Much More Coffee (tăng năng suất, tăng chất lượng và tăng lợi nhuận). Đây là chương trình sản xuất tổng hợp khai thác cải tiến nông học và sử dụng hiệu quả đầu vào các sản phẩm bảo vệ thực vật. Chương trình đã được nghiên cứu bởi Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), được thử nghiệm mô hình với nhiều hộ trồng cà phê. Nông dân tham gia vào chương trình này đã nhận thấy lợi nhuận tăng thêm ít nhất 25% so với biện pháp canh tác thông thường của họ, tạo ra sự khác biệt bền vững trong phát triển nông nghiệp tại Việt Nam.