Xuất khẩu gỗ sang thị trường Mỹ: Rất khả quan Chứng nhận cao su bền vững PEFC – góc nhìn từ những người tiên phong |
Chiều ngày 16/9, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức ra mắt Nền tảng đào tạo trực tuyến về trách nhiệm giải trình trong nhập khẩu gỗ tại Việt Nam. Nền tảng đào tạo trực tuyến này được xây dựng trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ thực hiện Hiệp định Đối tác Tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) tại Việt Nam” do Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế CHLB Đức (BMZ) uỷ thác với sự đồng tài trợ của Bộ Ngoại giao và Phát triển Vương quốc Anh.
Bà Anja Barth - Cố vấn trưởng quản lý Dự án Hỗ trợ quá trình thực hiện VPA/FLEGT tại Việt Nam của GIZ phát biểu tại sự kiện |
Tại Nền tảng đào tạo này, các kiến thức cơ bản về nguyên tắc thực hiện trách nhiệm giải trình và cách áp dụng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gỗ thông qua các bài giảng chi tiết được thiết kế tỉ mỉ, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý thuyết và các bài tập thực hành, được xây dựng dựa trên các trường hợp thực tế và nội dung Hiệp định VPA/FLEGT được các chuyên gia truyền tải tới các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ nhiệt đới ở Việt Nam.
Cùng với các doanh nghiệp, sự tham gia của các cơ quan xác minh, bao gồm kiểm lâm và hải quan, trong các khóa học tại Nền tảng đào tạo trực tuyến này sẽ giúp tăng cường hiểu biết về trách nhiệm giải trình và tính pháp lý của gỗ nhập khẩu đồng thời theo dõi mức độ tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp gỗ. Đây là một phần không thể thiếu trong quá trình thực thi Hiệp định VPA/FLEGT tại Việt Nam.
Phát biểu tại buổi ra mắt nền tảng đào tạo trực tuyến về trách nhiệm giải trình trong nhập khẩu gỗ tại Việt Nam, bà Anja Barth - Cố vấn trưởng quản lý Dự án Hỗ trợ quá trình thực hiện VPA/FLEGT tại Việt Nam của GIZ - cho biết, nhiều nước, trong đó có Việt Nam, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm giải trình khi đưa sản phẩm gỗ của mình ra thị trường. Khi tham gia vào khoá học trực tuyến này, các học viên sẽ có cơ hội hiểu thêm về Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS) theo quy định của Nghị định 102/2020/NĐ-CP. Đồng thời, sẽ được thực hành xây dựng hệ thống trách nhiệm giải trình cho doanh nghiệp.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu gỗ nguyên liệu đạt 4,158 triệu m³, trị giá 1,35 tỷ USD, tăng 31,6% về lượng và tăng 40,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Thị trường nhập khẩu gỗ nguyên liệu của Việt Nam từ các thị trường lớn như: Trung Quốc, EU, Thái Lan, Brazil, Chilê, New Zealand đều tăng so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, giảm nhập khẩu từ Hoa Kỳ, Cameroon, Malaysia, Papua New Guinea, Nga, Suriname… |
Theo ông Ngô Sỹ Hoài- Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, hiện chúng ta đang hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đến nay, Việt Nam đang xuất khẩu sản phẩm gỗ tới trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Đảm bảo gỗ hợp pháp là vấn đề “tồn tại hay không tồn tại” của doanh nghiệp gỗ Việt. Mỗi doanh nghiệp cần trang bị kiến thức để thực hành tốt trách nhiệm giải trình vì chính sự tồn tại của doanh nghiệp mình và vì cả cộng đồng gỗ Việt.
Ông Ngô Sỹ Hoài dẫn chứng, tháng 10/2020, Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đã thông báo khởi xướng điều tra về tình hình nhập khẩu và sử dụng gỗ nguyên liệu được khai thác và buôn bán bất hợp pháp tại Việt Nam. Trong phiên điều trần của các cơ quan hữu quan Hoa Kỳ, nhiều doanh nghiệp Việt Nam được hỏi vậy doanh nghiệp của ông/bà có thực hiện trách nhiệm giải trình hay không?. Hầu hết các doanh nghiệp còn lúng túng trong việc trả lời câu hỏi này. Mặc dù trên thực tế doanh nghiệp nào cũng có người vào sổ sách, nghiên cứu, thu thập thông tin, phân tích đánh giá rủi ro cũng như tìm các biện pháp để giảm thiểu rủi ro đối với gỗ bất hợp pháp. Tuy nhiên, họ không biết rằng đấy chính là doanh nghiệp đang thực hành trách nhiệm giải trình.
Do đó, việc tham gia Nền tảng đào tạo trực tuyến giúp doanh nghiệp giải bài toán nhanh hơn, hiệu quả hơn và đúng với yêu cầu của thị trường. Đây là công cụ hữu hiệu để doanh nghiệp có thể đảm bảo toàn bộ gỗ mà doanh nghiệp đưa vào sử dụng là gỗ hợp pháp. “Với việc ký kết VPA/FLEGT, Chính phủ Việt Nam đã mạnh mẽ cam kết nói không với gỗ bất hợp pháp. Mỗi doanh nghiệp gỗ Việt cần trang bị kiến thức để thực hành tốt trách nhiệm giải trình vì chính sự tồn tại của doanh nghiệp mình và vì cả cộng đồng gỗ Việt”, ông Ngô Sỹ Hoài nói.
gỗ nhập khẩu |
Theo ban tổ chức, từ tháng 12/2020 đến tháng 4/2021, GIZ đã phối hợp cùng Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) để tổ chức 05 khoá tập huấn thử nghiệm về hệ thống trách nhiệm giải trình cho hơn 200 học viên từ các doanh nghiệp, hiệp hội gỗ tại các tỉnh thành chế biến gỗ trọng điểm như Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bình Định, Nghệ An... Trên cơ sở góp ý của học viên, các mô-đun chương trình đào tạo đã được hoàn thiện và số hoá dưới dạng một khoá học trực tuyến mở cửa cho tất cả các cá nhân, tổ chức quan tâm cùng tham gia.
Nền tảng học trực tuyến hoàn toàn cung cấp miễn phí hứa hẹn là một công cụ đào tạo bền vững có khả năng tiếp cận nhiều doanh nghiệp gỗ và các cá nhân, tổ chức có quan tâm khác.
Vào tháng 6/2019, Hiệp định VPA/FLEGT giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức có hiệu lực. Đến nay, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều hành động để tăng cường tính pháp lý của gỗ tham gia vào chuỗi cung ứng như cam kết trong VPA/FLEGT. Việc ban hành Nghị định 102/2020/NĐ-CP về Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS) vào tháng 10/2020 là cột mốc quan trọng trong quá trình thực thi Hiệp định VPA/FLEGT ở Việt Nam. Điều này được kỳ vọng sẽ nâng cao uy tín và danh tiếng của các sản phẩm gỗ Việt Nam trên thị trường quốc tế, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng của ngành gỗ. Tuy nhiên, việc áp dụng Nghị định đã vấp phải nhiều thách thức trong thời gian vừa qua do có nhiều quy định mới trong VNTLAS/VPA. |