Hoa cúc Đà Lạt tăng giá mạnh dịp cận rằm tháng 7 Cận kề ngày Rằm tháng 7, “thủ phủ” vàng mã khu phố cổ Hà Nội vẫn ảm đạm Hà Nội: Thủ phủ sản xuất hàng 'cõi âm' Phúc Am ảm đạm dịp Rằm tháng 7 |
Cận ngày rằm tháng 7 (âm lịch), theo ghi nhận của phóng viên Vuasanca , tại một số khu chợ dân sinh, siêu thị, mặt hàng thực phẩm chay đã được bày bán thu hút người tiêu dùng, kéo theo sức mua tăng hơn hẳn những ngày thường. Không khí tại thị trường thực phẩm chay trở nên nhộn nhịp, người mua bán tấp nập.
Thị trường thực phẩm vào rằm tháng 7 dồi dào, mức giá bình ổn. Riêng mặt hàng thực phẩm chay, rau cải, hoa quả có giá tăng nhẹ so với ngày thường.
Giá thực phẩm trong những ngày rằm tháng 7 tăng hơn so với ngày thường. Ảnh: Ngọc Hoàn |
Khảo sát tại một số khu chợ dân sinh như chợ Hàng Bè, chợ Hôm, chợ Mơ, chợ Đồng Xa, chợ Nghĩa Tân… cho thấy, nhiều loại trái cây tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg.
Riêng giá hoa tươi tăng chóng mặt nhưng sức mua không hề giảm nhiệt. Cụ thể, giá hoa hồng tăng từ 5.000 - 7.000 đồng/bông, hoa ly từ 15.000 - 25.000 đồng/bông, hoa cúc từ 5.000 - 6.000 đồng/bông, hoa lay ơn từ 12.000 - 16.000 đồng/bông...
Giá thịt lợn hiện đang ở mức từ 130.000 – 150.000 đồng/kg tùy loại. Còn giá thịt bò ở mức từ 220.000 – 280.000 đồng/kg; gà trống từ 130.000 – 140.000 đồng/kg, giá gà mái ở mức thấp hơn khoảng 100.000-110.000 đồng/kg...
Dịp này, các mặt hàng thủy hải sản tươi sống cũng tăng giá so với ngày thường. Tôm sú từ 250.000 - 400.000 đồng/kg, mực ống từ 150.000 - 250.000 đồng/kg, bạch tuộc sữa từ 150.000-160.000 đồng/kg, cá tầm 330.000 đồng/kg;
Không chỉ trái cây và thực phẩm tươi sống tăng giá, giá các loại rau xanh cũng đang đứng ở mức cao.
Giá hoa tươi cận ngày rằm tháng 7 tăng chóng mặt. Ảnh: Ngọc Hoàn |
Bắp cải 20.000 - 22.000 đồng/kg, súp lơ xanh 18.000 - 20.000 đồng/chiếc, cà rốt 12.000 đồng/kg, cải ngọt từ 14.000 - 16.000 đồng/kg, dưa chuột 18.000 đồng/kg, cà chua từ 18.000 - 20.000 đồng/kg, rau muống 13.000 đồng/bó, rau mồng tơi 9.000 đồng/bó…
Nguyên nhân khiến giá rau xanh tăng cao không chỉ bởi tác động từ dịp ngày rằm mà còn bởi nguyên nhân khách quan do thời tiết mưa nhiều trong những ngày vừa qua khiến nguồn cung rau bị sụt giảm mạnh.
Chị Lê Thị Thu Thuỷ (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Tôi tranh thủ đi chợ, cúng rằm sớm, đợi chính lễ đi mua sắm sẽ đông hơn, khó chọn được đồ như ý. Nhưng hiện tại, giá các loại đồ lễ cũng đã có dấu hiệu tăng lên so với ngày hôm qua”.
Bên cạnh đó, thị trường đồ chay cho ngày cúng rằm tháng 7 trên các không gian mạng trở nên nhộn nhịp, người kinh doanh đồ chay "hốt bạc".
Người dân có thể dễ dàng mua sắm online từ mua thực phẩm để tự sơ chế đến những mâm cỗ đầy đủ, đa dạng các món chay với giá cả phù hợp với từng nhu cầu.
Nắm bắt được nhu cầu đó, nhiều hàng quán, khách sạn, địa chỉ online đã lên đơn cho khách tấp nập từ rất sớm.
Thị trường thực phẩm chay nhộn nhịp. Người kinh doanh đồ chay dịp rằm tháng 7 "hốt bạc" do nhu cầu tăng cao. Ảnh: Ngọc Hoàn |
Chị Ngô Thu Trang (Đống Đa, Hà Nội), kinh doanh bán hàng online về thực phẩm chay cho biết, hiện tại giá mâm cỗ chay khá đa dạng. Giá giao động từ 199.000 - 600.000/mâm. Ngoài ra còn có mâm cỗ giá cao hơn tùy thuộc vào số lượng món, nguyên liệu theo yêu cầu của khách, có thể lên tới hơn triệu đồng một mâm cỗ.
Xu hướng hiện nay khách thích chọn mâm cỗ có sử dụng các nguyên liệu tự nhiên từ sen, các loại nấm, rau củ... hơn là thực phẩm chay dạng công nghiệp.
Các mặt hàng đồ chay được bày bán khá phong phú, đa dạng với hàng trăm chủng loại từ thực phẩm khô, sản phẩm đông lạnh, đồ hộp đến gia vị, nước chấm.
Hạt nêm chay có giá 4.000 – 6.000 đồng đồng/gói, sườn lát chay 80.000 đồng/kg, các loại nấm khô 130.000 – 160.000 đồng/kg. Giá các loại thực phẩm chay như thịt bò, thịt gà cắt lát, xúc xích, lợn sữa quay... đều tăng từ 10.000 – 20.000 đồng/ hộp.
Những ngày này người tiêu dùng chỉ cần gõ cụm từ "thực phẩm chay" trên các trang mạng xã hội và không khó để có thể bắt gặp những hình ảnh về xúc xích chay, chả chay, váng đậu chay, thịt gà hay thịt lợn giả chay... Tất cả đều được chào bán với nhiều phân khúc giá khác nhau nhằm đáp ứng được thị hiếu của mọi khách hàng.
Theo như tìm hiểu, thực phẩm tăng giá cao nên kéo theo các sản phẩm đồ chay cũng tăng giá. Tuy nhiên, sức mua hiện nay vẫn chưa có dấu hiệu sụt giảm, nhiều cửa hàng đã phải nhập thêm các sản phẩm về để phục vụ nhu cầu của người dân.
Có thể thấy, thực phẩm vào những ngày rằm tháng 7 nhu cầu tăng cao. Phần lớn các gia đình sẽ tranh thủ thời gian này để tổ chức ăn uống, cùng nhau dùng bữa nhằm tạo cơ hội gắn kết các thành viên và cùng tỏ lòng hiếu kính đến ông bà tổ tiên.
Tuy vậy, nhiều thực phẩm không rõ nguồn gốc, sản phẩm chưa được công bố chất lượng, hay thậm chí không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm... người tiêu dùng cần cẩn trọng với thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc để tránh những hệ lụy.
Trên thị trường cũng có nhiều thực phẩm chay được rao bán nhập khẩu từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... với mức giá cao từ ba đến bốn lần hàng trong nước sản xuất.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là không ít sản phẩm này không có nhãn hiệu hay thông tin về thành phần sản phẩm, hướng dẫn sử dụng, ngày sản xuất và hạn sử dụng….
Việc trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm chay không rõ nguồn gốc sản xuất, chất lượng sản phẩm khiến người tiêu dùng lo lắng đến vấn đề an toàn thực phẩm.
Trao đổi về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm đưa ra khuyến cáo, khi chọn thực phẩm chay, khô hoặc chế biến ăn liền người tiêu dùng nên chọn những thương hiệu có uy tín, có giấy chứng nhận đạt vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Tránh mua thực phẩm bị mốc, thực phẩm tẩy trắng hay những sản phẩm chế biến có màu sắc lòe loẹt để tránh hệ lụy về sức khỏe.
Đứng trước sự đa dạng của thị trường thực phẩm chay, người tiêu dùng cần hiểu đúng và đủ trong việc chọn mua thực phẩm chay an toàn, chất lượng cho bản thân và gia đình.