RCEP: Kỳ vọng ở “sân chơi” lớn
Thưa bà, Hiệp định RCEP mang lại những cơ hội gì cho DN Việt Nam?
RCEP là hiệp định thương mại tự do (FTA) kết nối khu vực kinh tế năng động và phát triển nhất hiện nay là Đông Nam Á (ASEAN- trong đó có Việt Nam), Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) và Châu Đại Dương (Úc, New Zealand, Ấn Độ), với số dân khoảng 3,5 tỷ dân, chiếm tới 30% tổng GDP toàn cầu. Đây chính là thị trường hấp dẫn đối với các DN Việt Nam.
Ảnh minh họa |
Ngoài ra, thị trường này đang bao phủ gần như toàn bộ chuỗi sản xuất sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh. Ví dụ như: Sản phẩm điện tử được nhập khẩu chip từ Nhật Bản, Hàn Quốc, sau đó sản xuất tại Việt Nam và xuất khẩu; hay dệt may nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc, sản xuất ở Việt Nam rồi xuất khẩu đi các nước. Đây là khu vực tạo điều kiện gần như lớn nhất cho Việt Nam thỏa mãn các quy tắc xuất xứ nội khối, từ đó tạo sự khác biệt với các hiệp định khác trong việc tận dụng ưu đãi thuế quan cho xuất khẩu. Bên cạnh câu chuyện thuế quan có thể sẽ được tốt hơn, quy tắc xuất xứ linh hoạt và bao trùm hơn thì Việt Nam còn kỳ vọng về quy tắc chung, thống nhất các biện pháp giảm thiểu phi thuế quan. Đứng từ góc độ xuất khẩu, RCEP là cơ hội lớn và có ý nghĩa cho các DN Việt Nam, đặc biệt là DN đang kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu hàng hóa.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) |
Bà kỳ vọng gì về sự đồng bộ của RCEP và các FTA ở Việt Nam?
Chúng ta cần đặt trong bối cảnh chung, đó là RCEP bao gồm nhiều đối tác ở các trình độ phát triển khác nhau. Bản thân nhiều đối tác trong một hiệp định là câu chuyện khó khăn, chưa kể trình độ phát triển khác nhau, thậm chí mức độ tham vọng hay sẵn sàng chấp nhận tự do hóa của các đối tác RCEP cũng khác nhau. Để đạt sự thống nhất chung và tiêu chuẩn cao, kỳ vọng đó khó có thể trở thành hiện thực được. Nhìn lại 6 năm đàm phán RCEP, có thể thấy sự lấn cấn của các nước trong cách tiếp cận, tham vọng của các nước rất lớn. Theo quan sát của chúng tôi, kỳ vọng RCEP chính là tạo ra sự hài hòa ở mức độ phù hợp, nâng cao hợp lý về mức độ thuế quan, hài hòa về quy tắc xuất xứ, chuẩn hóa mức độ phù hợp các hàng rào phi thuế quan, tạo thuận lợi thương mại. Các biện pháp hàng rào phi thuế quan sẽ vẫn duy trì, nhưng ít cản trở nhất đến thương mại, khó đặt kỳ vọng tiêu chuẩn cao trong các vấn đề như thể chế, quy tắc khó khăn khác ở trong RCEP như các hiệp định thế hệ mới: CPTPP, EVFTA.
Các DN Việt Nam sẽ gặp khó khăn gì trong RCEP và bà có những lưu ý gì dành cho họ?
Trong RCEP, DN Việt Nam có nhiều cơ hội để tiếp cận thị trường rộng lớn. Đặc biệt, thị trường này không khó tính, không yêu cầu quá cao về chất lượng đối với hàng hóa, có thể phù hợp khá nhiều DN Việt Nam. Nhưng ở RCEP có rất nhiều đối thủ cạnh tranh, những nước có cơ cấu sản xuất giống như Việt Nam. Vì vậy, DN cần cải thiện năng lực để cạnh tranh tốt hơn. Hiện, DN Việt Nam đang có lợi thế nhất định, thương hiệu hàng hóa sản xuất tại Việt Nam được đánh giá cao so với nhiều nước trong khu vực.
Nếu tận dụng được thương hiệu này, có năng lực cạnh tranh tốt hơn, khắc phục điểm yếu như tính không chuyên nghiệp, không đồng đều về chất lượng, hay thay đổi và những vấn đề khác liên quan đến quy trình, thì DN Việt Nam sẽ rất thuận lợi để khẳng định vị thế cạnh tranh trong RCEP.
Ngoài ra, lợi ích của RCEP chủ yếu là hài hòa quy tắc xuất xứ và thuế quan. Nếu tận dụng được điều này thì các DN Việt Nam phải tìm hiểu quy tắc xuất xứ của RCEP. Nếu DN có gặp khó khăn thì phản hồi ngay với đoàn đàm phán để chúng ta có quy tắc xuất xứ tốt nhất trong RCEP. Khi có rồi, các DN cần chủ động tìm hiểu để đáp ứng quy tắc xuất xứ một cách tốt nhất.
Xin cảm ơn bà!