Rủi ro đằng sau câu chuyện Angola rời OPEC
Thực tế quốc gia này cũng không tham gia mạnh mẽ vào kế hoạch cắt giảm sản lượng nên tác động đến thị trường không lớn. Tuy nhiên, điều này đặt ra câu hỏi về quyền lực của nhóm, vì nếu có thêm các thành viên khác rời đi, câu chuyện sẽ khác…
Bất đồng về hạn ngạch, Angola rời OPEC
Quay trở lại cuộc họp chính sách của OPEC vào tháng 6/2023, khi đó OPEC thừa nhận một số thành viên như Iraq, Nigeria, và Angola không đủ năng lực sản xuất theo hạn ngạch yêu cầu. Vì vậy, hạn ngạch của Angola bị điều chỉnh từ 1,45 triệu thùng/ngày xuống còn 1,28 triệu thùng/ngày. Bù lại, UAE được tăng hạn ngạch thêm 200.000 thùng/ngày lên mức hơn 3,21 triệu thùng/ngày. Angola vốn dĩ không hài lòng với thỏa thuận điều chỉnh hạn ngạch thấp hơn cho các thành viên sản xuất châu Phi, trong khi cho phép UAE tăng sản lượng vào năm 2024.
Sản lượng dầu của Angola so với hạn ngạch |
Vào cuộc họp tháng 11/2023, những bất đồng về chính sách sản lượng tiếp tục xảy ra, khi các nhà lãnh đạo nhóm OPEC muốn hạ hạn ngạch để hỗ trợ giá dầu. OPEC giảm tiếp mục tiêu sản lượng dầu của Angola xuống 1,11 triệu thùng/ngày. Angola tỏ ra không hài lòng với quyết định, và Văn phòng Bộ trưởng Dầu mỏ Angola đã gửi công hàm phản đối tới OPEC.
Quyết định rời OPEC của Angola là một dấu hiệu cho thấy động lực hiện tại của ngành dầu mỏ đang gây áp lực lên một số nhà sản xuất như thế nào. Từng là một trong những quốc gia có nhiều triển vọng về dầu mỏ, Angola chứng kiến sản lượng giảm mạnh gần 40% trong 8 năm qua khi các công ty dầu khí quốc tế không còn nhận thấy đây là điểm đến đầu tư hấp dẫn do các mỏ dầu đã cũ.
Theo quan điểm của Angola, mức hạn ngạch thấp hơn sẽ ngăn cản khoản đầu tư mà Angola đang cố gắng thu hút, vì vậy việc ở lại nhóm sẽ bất lợi.
Kế hoạch cắt giảm sản lượng của OPEC+ sẽ không bị ảnh hưởng
Thông thường, thành viên của OPEC rời đi sẽ khiến thị phần nhóm bị thu hẹp, sức ảnh hưởng lên thị trường dầu cũng sẽ yếu đi. Năm 2010, thị phần sản xuất của nhóm OPEC đạt khoảng 34%. Sau khi Angola rời đi, con số sẽ còn khoảng 27%.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV) cho biết hiện tại, nhóm OPEC mở rộng, hay còn gọi là OPEC+ đang phải liên tục cắt giảm sản lượng nhằm hỗ trợ giá dầu. Tuy nhiên, sản lượng của Angola từ lâu luôn ở dưới mức hạn ngạch đặt ra, dù đã hoạt động tối đa công suất. Nói cách khác, việc điều chỉnh hạn ngạch của Angola trong các đợt cắt giảm trước đó chỉ mang tính hình thức. Trong các cuộc họp gần đây, Angola đều không tham gia cắt giảm tự nguyện. Do đó, việc cắt giảm sản xuất của OPEC+, bao gồm 2,2 triệu thùng dầu/ngày kéo dài sang quý I năm sau vẫn sẽ được bảo toàn và giá dầu có thể còn dư địa tăng.
Theo báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), thị trường sẽ thâm hụt khoảng 800.000 thùng/ngày vào quý I năm sau trước tác động cắt giảm sản lượng của OPEC+. EIA cũng ước tính giá dầu WTI đạt đỉnh vào tháng 3 với 81,5 USD/thùng, đạt trung bình trong quý I là 78,8 USD/thùng.
Dự báo giá dầu năm 2024 của EIA |
Mặc dù việc Angola rời OPEC hoàn toàn không ảnh hưởng tới kế hoạch hỗ trợ giá dầu của nhóm, nhưng rủi ro tiềm ẩn ở đây sẽ là sự hoài nghi về quyền lực của OPEC+ trong tương lai. Những bất đồng gia tăng đặt ra nghi vấn rằng liệu sẽ có thêm các thành viên khác rời tổ chức này hay không.
Rủi ro tiềm ẩn sau sự rời đi của Angola
Sự ra đi của các thành viên khiến cho thị phần OPEC+ ngày càng giảm, bên cạnh việc phải cạnh tranh với các nước không thuộc nhóm, đặc biệt là sản lượng tăng mạnh ở Mỹ. Tuy nhiên, xét về dài hạn, quyền lực của OPEC+ gần như vẫn được củng cố chắc chắn khi mà trữ lượng của Mỹ hay các nước bên ngoài vốn không thể sánh bằng.
Rủi ro thực sự sẽ là những quốc gia khác liệu có theo chân của Angola hay không. Gần với tình hình sản xuất dầu của Angola nhất là Nigeria. Sản lượng của quốc gia này đã giảm vì những lý do tương tự trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Nigeria đã hơn một lần phàn nàn về hạn ngạch, ngay cả khi không đạt được hạn ngạch đó.
Đáng quan ngại nhất là UAE. Trước đó, quốc gia này đã khá khó khăn để đấu tranh tăng hạn ngạch sản xuất thêm 200.000 thùng/ngày, ngay trong giai đoạn cả nhóm cắt giảm sản lượng. Tờ Wall Street Journal còn khẳng định UAE đã từng cân nhắc rời khỏi OPEC, giá dầu cũng giảm mạnh ngay sau tin đồn. Mặc dù phía UAE đã phủ nhận thông tin, nhưng những nghi ngờ vẫn còn tồn tại.
Cơ cấu sản xuất các thành viên trong OPEC+ |
UAE không chỉ có công suất dự phòng dồi dào, mà còn cung cấp khoảng 3,1 triệu thùng/ngày cho thị trường. Con số dự kiến có thể lên tới 4 triệu thùng/ngày trong thời gian tới. Hơn nữa, UAE còn có nguồn vốn nước ngoài để đầu tư vào các mỏ dầu mới, dự kiến sẽ làm tăng năng lực sản xuất lên tới 5 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, hạn ngạch hiện tại của UAE chỉ là 3,22 triệu thùng/ngày.
Trong một kịch bản xấu nhất, đó là những bất đồng về hạn ngạch tiếp tục xảy ra và UAE rời tổ chức, quyền lực của OPEC sẽ mất mát đáng kể. Khi đó, kế hoạch nâng giá sẽ khó thành công hơn nữa.
Nhìn chung, sau một giai đoạn liên tục cắt giảm sản lượng nhưng giá dầu vẫn khó tăng mạnh, OPEC+ có thể sẽ “tung” ra nhiều bất ngờ cho thị trường dầu thô trong năm 2024. Mới đây, Iraq, Nigeria và Congo đã tái khẳng định sự gắn bó với nhóm ngay sau khi Angola rời đi, nhưng câu chuyện tương lai rất khó đoán. Thực tế là trong thập kỷ qua, đã có 4 quốc gia rời OPEC+.
“Dù Nigeria hay ngay cả UAE rời OPEC cũng sẽ rất khó để khiến giá giảm sâu trong dài hạn, vì các quốc gia xuất khẩu này vẫn cần giá dầu neo ở mức cao. Ngoài ra, quyền lực của OPEC và OPEC+ cũng ít khả năng lung lay khi mà Mỹ hay các nước ngoài OPEC+ khó có thể cạnh tranh được với mức chi phí sản xuất dầu rất rẻ của nhóm nước xuất khẩu này”, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh đánh giá.