Rủi ro thách thức ngành công nghiệp nhựa: Kỳ II: Rủi ro biến động giá nguyên liệu và tác động môi trường
Phụ thuộc lớn từ nguồn nhập khẩu
Chi phí nguyên liệu sản xuất nhựa hiện chiếm tỷ trọng từ 75-80% trong cơ cấu chi phí. Thế nhưng, ông Hồ Đức Lam - Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết, hiện ngành nhựa vẫn phải nhập khẩu tới 80% nguyên liệu đầu vào. Do phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu, các doanh nghiệp nhựa Việt Nam thường phải duy trì mức tồn kho nguyên liệu lớn để đảm bảo duy trì sản xuất khiến chi phí tài chính tăng, chịu rủi ro tác động từ diễn biến giá nguyên liệu thế giới và biến động bất lợi về tỷ giá hối đoái USD/VND (nhập khẩu phải thanh toán bằng ngoại tệ).
Ngành nhựa đang phải nhập khẩu 4-5 triệu tấn nguyên liệu/năm |
Thực tiễn đã cho thấy, giá nhựa nguyên liệu nhập khẩu thường biến động tương ứng với thay đổi giá dầu thế giới. Những năm gần đây, giá dầu tăng/giảm rất bất thường, khó dự đoán, nhiều doanh nghiệp nhựa đã phải gánh chịu rủi ro chi phí nguyên liệu đầu vào tăng do biến động chênh lệch tỷ giá bất lợi, thậm chí bị các nhà cung ứng nguyên liệu ép giá, dẫn đến sản xuất, kinh doanh thua lỗ. Ông Trần Xuân Trường - Chuyên gia phân tích ngành thuộc Tập đoàn FPT nhận xét: “Đây là “nút thắt” lớn nhất cản trở tăng trưởng, phát triển bền vững của ngành nhựa, làm giảm biên lợi nhuận của doanh nghiệp nhựa. Hạn chế này rất khó thay đổi trong vài năm tới, do công nghiệp hỗ trợ ngành nhựa chưa phát triển”.
Ông Trần Xuân Trường - Chuyên gia phân tích ngành thuộc Tập đoàn FPT: Ngành nhựa Việt Nam đang nhập khẩu khoảng 5 triệu tấn nguyên liệu/năm, tổng giá trị nhập khẩu ước tính khoảng 6-7 tỷ USD/năm, trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu mới đạt 2,5 tỷ USD/năm. Thâm hụt thương mại lớn, khi tỷ giá USD/VND tăng sẽ tác động tiêu cực tới hiệu quả sản xuất, kinh doanh. |
Đó là chưa kể vướng mắc từ các qui định, thủ tục khi nhập khẩu. Hiện ngành nhựa nhập khẩu mỗi năm khoảng trên 1 triệu tấn nguyên liệu là phế liệu (chiếm khoảng 20% tổng nguyên liệu nhập khẩu). Trong số 17.000 container phế liệu nhập khẩu đang bị ách tắc tại các cảng biển hiện nay liên quan đến các qui định về qui chuẩn, tiêu chuẩn phế liệu và thủ tục nhập khẩu, chỉ tính riêng ngành nhựa đã có tới 5.000 container.
Ông Lê Thanh Thiết - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Wifur (TP. Hồ Chí Minh) chuyên sản xuất nhựa nội thất (ghế nhựa, tủ nhựa, sofa nhựa…) xuất khẩu sang Mỹ, EU chia sẻ: “Do giá thành cạnh tranh, công ty sử dụng tới 70% nguồn nguyên liệu đầu vào là phế liệu nhập khẩu. Chính phủ đang siết chặt kiểm soát, hạn chế/hoặc không cho nhập khẩu phế liệu, công ty đang gặp rất nhiều khó khăn. Nếu sử dụng hoàn toàn nguồn nguyên liệu nhựa nguyên sinh nhập khẩu thì giá thành sản xuất cao, sản phẩm khó cạnh tranh”.
Trong tổng nguyên liệu nhập khẩu của ngành nhựa, có khoảng trên 1 triệu tấn phế liệu |
Rủi ro tác động môi trường
Ngoài ra, sản xuất và tiêu dùng nhựa còn tác động lớn đến môi trường. Các loại khí thải, rác thải nhựa nếu không kiểm soát tốt có thể sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Khi bị đốt cháy kết hợp với hơi nước, các hóa chất từ nhựa phế thải sẽ tạo ra axit sunfuric cực kỳ nguy hiểm cho hệ hô hấp, đốt cháy có thể tạo ra dioxin và axit hydrochloric rất độc hại... Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về rác thải nhựa. Hiện rác thải nhựa được thu gom rất ít, chủ yếu mới do cá nhân thực hiện. Lĩnh vực tái chế phế liệu tại Việt Nam cũng chưa phát triển, một số cơ sở ngành nhựa thực hiện tái chế phế liệu thì qui mô còn nhỏ, công nghệ rất lạc hậu, hiệu quả tái chế thấp.
Để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, Chính phủ đã đưa ra thông điệp rất mạnh mẽ là: “Không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế”. Điều này đồng nghĩa với việc, Chính phủ sẽ giám sát chặt chẽ phát triển các ngành kinh tế có tác động đến môi trường, trong đó có ngành công nghiệp nhựa. Ông Võ Tuấn Nhân - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết: “Do nguyên liệu nhựa trong nước còn thiếu, tới đây Bộ vẫn cấp phép nhập khẩu phế liệu, nhưng sẽ chỉ cấp phép cho các doanh nghiệp nhựa làm ăn bài bản, đầu tư công nghệ hiện đại mới được nhập khẩu phế liệu đủ tiêu chuẩn, qui chuẩn theo qui định về để tái chế, sản xuất ra các sản phẩm nhựa có chất lượng cao, thân thiện với môi trường. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị áp dụng công cụ thuế đánh mạnh vào các sản phẩm nhựa không thân thiện với môi trường”.
Thực trạng nêu trên cho thấy, trong bối cảnh trình độ phát triển còn thấp, công nghệ thì lạc hậu, nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế, để đáp ứng được các yêu cầu phát triển bền vững, sản xuất, kinh doanh phải gắn với đầu tư bảo vệ môi trường cũng sẽ là một thách thức rất lớn đối với số đông các doanh nghiệp nhựa Việt Nam hiện nay./.
Kỳ III: Tiến tới tự chủ nguồn nguyên liệu đầu vào trong nước