Đàn Ta lư có từ hàng trăm năm trước, gắn bó với cuộc sống tinh thần của đồng bào Pa Cô, Vân Kiều, Tà Ôi... (ở các tỉnh miền Trung). Cây đàn nhỏ gọn nên mỗi khi lên rẫy bà con thường bỏ gùi mang theo. Thông thường vào dịp lễ hội, tất cả mọi người từ già, trẻ, gái, trai đều cùng tham gia múa hát trên nền nhạc của tất cả các loại nhạc cụ như trống, chiêng, sáo và đặc biệt không thể thiếu đàn Ta lư với âm thanh vừa da diết vừa sôi nổi, có thể kết hợp hài hòa với các loại nhạc cụ khác. Hai nhạc sĩ Huy Thục và Phương Nam đã không cầm lòng được trước tiếng Ta lư mà viết nên “Tiếng đàn Ta lư” và “Rừng xanh vang tiếng Ta lư”, những ca khúc vượt thời gian.
Theo các nghệ nhân làm đàn Ta lư, muốn làm một cây đàn Ta lư đúng chuẩn thì khâu đầu tiên là chọn nguyên liệu để làm đàn. Nguyên liệu để làm đàn Ta lư hiện nay chủ yếu là gỗ mít. Cây gỗ mít sau khi đốn hạ sẽ được cưa thành từng đoạn dài khoảng 1m, rồi phơi khô từ 1 - 2 tháng. Khi gỗ mít khô thì đến công đoạn đục đẽo thành hình dạng chiếc đàn Ta lư. Đàn Ta lư có chiều dài khoảng 70 cm.
Trong tất cả các công đoạn chế tác đàn Ta lư thì khó nhất vẫn là công đoạn bố trí những phím đàn để có âm thanh chuẩn. Bởi ở công đoạn này đòi hỏi nghệ nhân chế tác đàn Ta lư phải thông thuộc các làn điệu dân ca mới có thể đặt phím đúng vị trí, để âm thanh cây đàn không bị lạc điệu. Đàn Ta lư cổ có 2 dây, nhưng ngày nay để chơi được nhiều bản nhạc hơn đàn được chế tác thành 3 hoặc 4 dây.
Cây đàn Ta lư cùng các loại nhạc cụ truyền thống đã làm nên “hồn cốt” của dân tộc Vân Kiều, Pa Kô, Tà Ôi…Thế nhưng nhiều nghệ nhân tâm huyết với đàn Ta lư đang canh cánh một điều khi những người chơi đàn và làm đàn ngày một ít đi. Liệu mai này cây đàn Ta Lư có còn tiếp tục duy trì để song hành cùng thời gian.