Rút tiền mặt từ trên 100 triệu tại Kho bạc Nhà nước phải đăng ký trước
Dự thảo nêu rõ, Kho bạc Nhà nước thực hiện quản lý tiền mặt trong nội bộ hệ thống Kho bạc Nhà nước để đảm bảo nhu cầu thanh toán, chi trả bằng tiền mặt cho các đơn vị giao dịch; đồng thời, chủ động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên cùng địa bàn tỉnh hoặc ngân hàng thương mại nơi mở tài khoản để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu tiền mặt của Kho bạc Nhà nước.
Các đơn vị Kho bạc Nhà nước thực hiện thanh toán các khoản chi của đơn vị giao dịch theo nguyên tắc thanh toán bằng chuyển khoản trực tiếp từ tài khoản của đơn vị giao dịch mở tại Kho bạc Nhà nước tới tài khoản của người cung cấp hàng hóa dịch vụ, người hưởng lương từ ngân sách nhà nước và người thụ hưởng khác tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng, trừ những trường hợp được phép chi bằng tiền mặt quy định.
Các đơn vị giao dịch có tài khoản tại Kho bạc Nhà nước khi thanh toán tiền mua hàng hoá, dịch vụ với các đơn vị, tổ chức, cá nhân có tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng, thì các đơn vị giao dịch thực hiện thanh toán bằng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Các đơn vị, tổ chức, cá nhân có tài khoản tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước, khi thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước phải ưu tiên thanh toán bằng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt; các khoản thu ngân sách nhà nước theo hình thức khấu trừ trực tiếp từ tài khoản của đơn vị, tổ chức, cá nhân tại Kho bạc Nhà nước sang thu nộp ngân sách nhà nước, thì thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật.
Đăng ký rút tiền mặt
Cũng theo dự thảo, các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước có nhu cầu rút tiền mặt trong một ngày (một hoặc nhiều lần thanh toán) vượt mức quy định dưới đây phải đăng ký với Kho bạc Nhà nước nơi mở tài khoản trước ít nhất một ngày làm việc về số lượng và thời điểm rút tiền để Kho bạc Nhà nước có kế hoạch chuẩn bị và cung ứng tiền mặt đầy đủ, kịp thời cho đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.
Cụ thể mức rút tiền mặt phải đăng ký với Kho bạc Nhà nước: Từ 200 triệu đồng trở lên đối với các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện giao dịch với Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh. Từ 100 triệu đồng trở lên đối với các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện giao dịch với Kho bạc Nhà nước cấp huyện.
Các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước đăng ký nhu cầu rút tiền mặt cho từng ngày thanh toán hoặc đăng ký cho nhiều ngày thanh toán khác nhau, song phải nêu rõ số lượng và thời điểm rút tiền mặt tại từng ngày thanh toán.
Việc đăng ký rút tiền mặt với Kho bạc Nhà nước được thực hiện bằng văn bản hoặc đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước đăng ký qua điện thoại với cán bộ có thẩm quyền của Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch (Trưởng phòng Kế toán hoặc người được ủy quyền đối với Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh; Kế toán trưởng hoặc người được ủy quyền đối với Kho bạc Nhà nước cấp huyện). Trường hợp đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước đăng ký rút tiền mặt qua điện thoại, thì phải gửi bổ sung văn bản đăng ký rút tiền mặt khi đơn vị đến Kho bạc Nhà nước làm thủ tục thanh toán.
Các đơn vị giao dịch không phải trả phí liên quan đến các giao dịch thanh toán bằng tiền mặt để thực hiện thu, chi ngân sách nhà nước; nộp hoặc rút tiền mặt từ tài khoản tiền gửi của các đơn vị giao dịch tại Kho bạc Nhà nước.