Kiểm soát côn trùng dịch hại thường xuyên là giải pháp giúp doanh nghiệp phát triển bền vững |
Đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh là công tác phát hiện, đo lường và kiểm soát, giảm thiểu các nguy cơ gây bệnh hại xuất phát từ môi trường tự nhiên hay nơi làm việc; có vai trò quan trọng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt trong các lĩnh vực như thực phẩm và các ngành dịch vụ phổ biến. Đồng thời còn là chìa khóa cho lòng tin người tiêu dùng, sự phát triển bền vững của thương hiệu nói riêng và của ngành kinh tế nói chung.
Thời gian qua, sự thiếu quan tâm đúng mức cho vấn đề vệ sinh trong sản xuất đã đưa nhiều doanh nghiệp, thậm chí là các tên tuổi lớn, vào những cuộc khủng hoảng truyền thông trầm trọng, đứng trước nguy cơ bị người tiêu dùng quay lưng.
Tập đoàn Tân Hiệp Phát không tránh khỏi những rủi ro ấy. Năm 2015, tập đoàn này đã phải đối đầu với “cơn giận” mạnh mẽ từ dư luận trong nhiều tháng trước sự việc người tiêu dùng phát hiện một con ruồi trong một sản phẩm nước đóng chai chưa mở. Bất chấp những nỗ lực chứng minh tính hiện đại của một dây chuyền sản xuất được đầu tư mạnh tay, với các tiêu chuẩn khép kín và vô trùng bậc nhất khu vực, Tân Hiệp Phát vẫn chưa thể trấn an người tiêu dùng về độ an toàn vệ sinh thực phẩm của những sản phẩm của họ.
Một ví dụ khác có thể kể đến như ngay chính thương hiệu bánh trung thu Kinh Đô. Ngay giữa cao điểm bán hàng mùa trung thu vừa qua, sản phẩm này đã dính vào nghi án mất an toàn vệ sinh thực phẩm khi một video clip về quy trình sản xuất trong nhà máy tại Hưng Yên được công bố. Sự ảm đạm tại các quầy bán bánh Kinh Đô ngay sau đó chính là minh chứng cho sự dè chừng của người dân.
Với tiềm năng khai thác và chế biến các sản phẩm thủy hải sản vô cùng to lớn, thị trường xuất khẩu của Việt Nam lẽ ra có thể phát triển ở một cấp độ cao hơn nếu các yếu tố vệ sinh công nghiệp được chú trọng. Trước các thị trường khó tính như: Liên bang Nga, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc,… tất cả các sản phẩm cần đạt tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Công tác kiểm soát dịch hại và vệ sinh nhà xưởng chế biến, do đó, sẽ góp phần đảm bảo chất lượng sản phẩm, thúc đẩy sự phát triển của cả ngành kinh tế.
Đối với người lao động, một môi trường làm việc vệ sinh là yếu tố hết sức quan trọng để đảm bảo sức khỏe và hiệu quả công việc. Ở các nước phát triển, không chỉ nhà xưởng sản xuất quy mô lớn mà tất cả các văn phòng, khu công sở, khách sạn, nhà hàng… đều sử dụng các giải pháp kiểm soát côn trùng và vệ sinh định kỳ cho mọi không gian. Bởi vì một môi trường làm việc sạch sẽ, đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh sẽ tránh lây nhiễm chéo, giảm thiểu ngày nghỉ do bệnh, tránh dịch bệnh và tăng năng suất làm việc.
Tuy nhiên, các sản phẩm được sử dụng trong công tác kiểm soát côn trùng và vệ sinh cũng cần được chú ý, vì rất có thể đó lại chính là những hóa chất có hại.
Về vấn đề này, ông Châu Thanh Ngọc - Giám đốc Bộ phận Sức khỏe môi trường của Công ty Hóa chất Sumitomo Chemical - nhà cung cấp các hoá chất trong lĩnh vực kiểm soát côn trùng dịch hại - cho biết: “Chúng tôi đã không ngừng cải tiến công nghệ và đặc biệt chú ý đến chất lượng sản phẩm, sự an toàn sử dụng và môi trường trong lành”.
“Vệ sinh nói chung và kiểm soát côn trùng dịch hại nói riêng nên là vấn đề ưu tiên cho bất kỳ doanh nghiệp nào. Vì vậy, cần có kế hoạch kiểm soát côn trùng dịch hại và vệ sinh cho doanh nghiệp đúng lúc. Nhưng một chương trình chỉ thật sự tốt khi chọn được đối tác phù hợp và nghiêm túc.
Ông Paul Clifford - Tổng Giám đốc Rentokil Initial Việt Nam - công ty chuyên kiểm soát côn trùng dịch hại và giải pháp vệ sinh - đã đưa ra lời khuyên: “Nên lựa chọn một đối tác có chương trình Quản lý côn trùng dịch hại tổng hợp (IPM) chủ động, toàn diện. Thực hiện chương trình IPM có hiệu quả, tập trung vào công tác phòng ngừa, việc xây dựng chiến lược loại trừ và giáo dục có thể giúp tiết kiệm các sản phẩm và quan trọng nhất giúp doanh nghiệp phát triển bền vững”.