Lời công khai kêu gọi các thành viên cùng làm ebook lậu trên www.e-thuvien.com.
CôngThương - Chiều 15.8, Cty sách Chibook cho biết đang kết hợp với một số đơn vị xuất bản sẽ thuê luật sư khởi kiện những trang web vi phạm bản quyền. Họ cũng sẽ gửi đơn đề nghị công an văn hóa và an ninh mạng can thiệp, buộc các trang web trên phải dỡ bỏ. “Cái khó là việc kiện tụng sẽ rất mất thời gian và giải quyết không thể một sớm một chiều. Trong khi các trang web ebook lậu vẫn ngang nhiên “chiếm dụng” công sức, với bao thời gian tiền bạc của các đơn vị xuất bản để đưa các tác phẩm văn học dịch lên” - một đại diện xuất bản nhận xét.
Công khai kêu gọi vi phạm bản quyền
Các trang web ebook lậu khá nhiều và không “e ngại” một đơn vị xuất bản nhà nước hay tư nhân nào. Các đơn vị xuất bản: Trẻ, Kim Đồng, Nhã Nam, Bách Việt, Chibooks, Đông A... đều có sách bị vi phạm bản quyền, người ta tung lên trên hàng chục trang web và diễn đàn...
Các trang web, diễn đàn này thu hút hàng trăm ngàn thành viên đăng ký tham dự. Truy cập vào thư viện ebook có thể xem cả trăm ngàn đầu sách với đủ thể loại, từ sách trong nước đến sách dịch. Việc đọc hay tải xuống (dowload) ebook hoặc miễn phí hoặc chỉ phải trả một khoản phí rất nhỏ (thường 2.000 đồng/lượt), do đó số người truy cập ngày càng đông. Vào một trang web như , thấy quản trị mạng (admin) quảng bá lợi ích của ebook là tiện lợi, xem nhanh lại có thể chỉnh lại kích cỡ chữ, màu sắc tùy theo ý thích người xem và hướng dẫn sử dụng chi tiết từng bước cụ thể... Người ta còn kêu gọi các thành viên, phân công nhau, chia nhỏ sách ra, đánh vi tính đưa lên, ghi rõ kích cỡ chữ, phông chữ sử dụng... tóm lại là làm sao hoàn thành ebook nhanh nhất post lên mạng. Điều đó chẳng khác một lời công khai kêu gọi “vi phạm bản quyền”.
Thiệt hại và nhiều hệ lụy khác
Được biết, một cuốn sách thuộc diện “best seller” tiền mua bản quyền khoảng từ 2.000 - 3.000USD, có khi còn lên tới 5.000USD, còn sách nước ngoài loại rẻ nhất cũng khoảng 1.000USD. Việc dịch sách không như trước kia là hợp đồng với một dịch giả có uy tín, giờ thường chẻ nhỏ ra các chương và thuê sinh viên dịch, rồi thuê người tổng hợp, hiệu đính lại. Tất nhiên tùy theo số trang dịch, loại sách, nhưng nói chung, tổng cộng chi phí sản xuất một đầu sách trọn gói hiện nay thuộc diện sách bán chạy từ 70 - 80 triệu đồng (tiền mua bản quyền, tiền dịch, tiền xin giấy phép, biên tập, in ấn, quảng cáo truyền thông...).
Và công đoạn sản xuất 1 cuốn sách mất từ 4 - 6 tháng (từ tìm kiếm sách, mua bản quyền, dịch, hiệu đính biên tập, thiết kế, xin giấy phép, in ấn, quảng bá sách)... Bao công sức như thế, nhưng với các chủ trang web, việc làm ebook tung lên mạng chỉ mất mấy ngày, nhất là khi số thành viên tự nguyện tham gia gõ vi tính đưa lên ngày càng đông với danh nghĩa “chia sẻ văn hóa đọc”.
Việc vi phạm bản quyền trên không chỉ gây thiệt hại cho các đơn vị xuất bản mà còn làm ảnh hưởng đến quan hệ làm ăn với các NXB nước ngoài... (đấy là chưa nói, nhiều trang web còn tự ý đưa nhiều tác phẩm của một số tác giả trong nước lên, nhưng rồi chính người trong cuộc cũng “tặc lưỡi” đành bỏ qua!).
Trước tình trạng ebook lậu tràn lan như hiện nay, một số đơn vị xuất bản lúc đầu chỉ biết gửi email đến admin các trang đề nghị gỡ các cuốn sách vi phạm xuống, nhưng chẳng được hồi âm. Để tự “cứu mình”, một số đơn vị xuất bản cũng rục rịch chuẩn bị các dự án tự làm ebook và tự kinh doanh trên website của mình để giảm bớt thiệt hại kinh tế.
Vì thế đã đến lúc, các đơn vị xuất bản cùng hợp nhau lại để giải quyết chuyện vi phạm bản quyền này. Việc làm đơn gửi lên các cơ quan chức năng nhà nước, công an văn hóa, an ninh mạng để họ vào trận chắc chắn sẽ nhanh chóng tìm ra được những kẻ chủ mưu đăng ký mua những tên miền trên, thậm chí qua số IP, sẽ tìm được ra nơi đặt host, địa chỉ cụ thể của từng trang web, để từ đó có biện pháp ngăn chặn.