Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cắt băng khai mạc 4 triển lãm chuyên ngành công nghiệp kết hợp.
CôngThương - 4 triển lãm chuyên ngành công nghiệp kết hợp này đã tạo thành một sàn giao dịch có quy mô lớn nhất hiện nay của ngành công nghiệp hỗ trợ - cơ khí Việt Nam.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, trong chiến lược công nghiệp hóa – hiện đại hóa, ngành công nghiệp hỗ trợ - cơ khí đang đóng vai trò quan trọng, góp phần thu hút nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam, tạo ra các sản phẩm có tính cạnh tranh và giá trị gia tăng cao, phát triển thị trường nội địa.
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh tin tưởng, với hơn 200 gian hàng, 4 triển lãm này sẽ là cầu nối hiệu quả giúp các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ - cơ khí gặp gỡ, giao dịch, hợp tác và làm ăn lâu dài.
Trong đó, Triển lãm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 5 (SI) do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) và Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam tổ chức là một sự kiện quan trọng trong chuỗi các dự án hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế Việt - Nhật. Triển lãm có 57 công ty Nhật Bản tới trưng bày các sản phẩm mà họ muốn "mua" tại Việt Nam và 54 công ty Việt Nam trưng bày các sản phẩm mà họ tự sản xuất và muốn "bán" cho các khách mua hàng tiềm năng.
Các sản phẩm trưng bày tại triển lãm thuộc các lĩnh vực thiết bị và phụ tùng cho ô tô, xe máy, điện - điện tử, gia công nhựa và kim loại, vật liệu đóng gói.
Ông Daisuke Hiratsuka- Phó Chủ tịch Điều hành Jetro cho biết: “Đặc trưng của triển lãm là giới thiệu các sản phẩm, linh kiện mà doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn nội địa hóa tại Việt Nam. Tham gia vào những gian hàng trưng bày sản phẩm của doanh nghiệp Nhật Bản, khách hàng sẽ biết được các doanh nghiệp Nhật Bản muốn mua những linh kiện, phụ tùng, nguyên vật liệu nào. Ngược lại, phía doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất thì có thể bán hoặc cung cấp cho các doanh nghiệp Nhật Bản”.
Tại triển lãm, Công ty TNHH SD Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư của Nhật Bản chia sẻ: Công ty chuyên gia công, sản xuất các sản phẩm dây dẫn điện trong điều hoà, máy camera, xe nâng…Hiện nay, 80% nhập từ nước ngoài chủ yếu là Nhật Bản, một số nước khác như Singpore, Thái Lan, Trung Quốc còn tỷ lệ nội địa hóa còn khá thấp, chỉ chiếm 20%. Tham gia hội chợ này, công ty mong muốn tìm kiếm khách hàng cũng như nhà cung cấp tại Việt Nam.
Ông Trần Anh Vượng - Giám đốc Công ty CP Công nghệ Bắc Việt- chuyên sản xuất khuôn mẫu cơ khí chính xác và các sản phẩm nhựa, đã có một số bạn hàng như Canon, Samsu cho biết, công ty đã tham gia triển lãm lần thứ 3, tham gia triển lãm này kỳ vọng sẽ có nhiều hợp đồng ký kết thương mại và đầu tư từ phía Nhật Bản.
Ngoài triển lãm SI nói trên, còn có 32 công ty Nhật Bản mang tới Việt Nam những sản phẩm công nghệ cao của Nhật Bản tại khu vực “Triển lãm Công nghệ cao của Nhật Bản” (JME)
Song song với 2 triển lãm SI và JME còn có 2 triển lãm khác cũng diễn ra, đó là “Triển lãm Quốc tế về Công nghệ Chế tạo Phụ tùng công nghiệp tại Việt Nam” và “Triển lãm Sản phẩm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam”.
4 triển lãm chuyên ngành này bắt đầu từ ngày 3/9 hết ngày 6/9 và dự kiến thu hút hơn 10.000 lượt khách tham quan.
Dưới đây là một số hình ảnh tại triển lãm:
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh tham quan triển lãm
Một số doanh nghiệp tìm kiếm bạn hàng
Sản phẩm của Công ty ABB- đi đâu trong việc phát triển rô bốt hàn hồ quang
Thiết bị làm đẹp dành cho phụ nữ như may xông mặt, máy duỗi và uốn tóc của Panasonic Beauty