Sản xuất các loại gạo màu đặc sản:Nông dân chưa mặn mà!
- Chủ yếu là “ăn chơi cho biết”
Theo chị Mai- chủ doanh nghiệp (DN) thương mại gạo Ngọc Đông Á (quận 3, TP.HCM), việc tiêu thụ các loại gạo đặc sản như gạo huyết rồng, nếp than, nàng thơm Chợ Đào, bụi đỏ Hồng Dân… không mấy chạy hàng. Chị Mai cho hay, mỗi đợt (2-3 tháng) DN của chị nhập gạo một lần từ các vựa ở Long An, Tiền Giang. chỉ dám nhận khoảng vài tấn các loại gạo đặc sản để cung ứng lẻ cho các đầu mối làm bánh tét nhân tím, hoặc các nhà hàng, khách sạn phục vụ khách tham quan, du lịch. Người dân ít có nhu cầu tiêu thụ các loại gạo này.
Khảo sát tại một số địa chỉ bán gạo đặc sản tại TP.HCM cho thấy, giá các loại gạo này thường cao hơn khoảng 10.000 đồng/kg so với các loại gạo thông thường. Cụ thể, gạo huyết rồng giá từ 20.000- 25.000 đồng/kg, gạo nếp than tím 22.000-25.000 đồng/kg.
Đại diện bộ phận kinh doanh Công ty gạo Hưng Phát (quận 6-TP.HCM) cho biết, người dân chủ yếu mua gạo màu đặc sản với số lượng nhỏ (1 bao 3-5kg) để phục vụ nhu cầu ăn chơi, thưởng thức trong những dịp đặc biệt chứ ít có khách hàng lấy sỉ thường xuyên. Các đại lý bán gạo của công ty, trong thời gian qua ít lấy thêm gạo màu vì bán không chạy, mà để lâu sẽ mất hương vị thơm ngon. Vị đại diện này cho biết, việc nhập hàng các loại gạo màu không thường xuyên vì các loại này chỉ sản xuất mỗi năm 1 vụ. Hơn thế, chỉ một số vùng ở khu vực ĐBSCL có thể trồng được nên khi có vựa nào ở miền Tây mua gom và bán lại thì các công ty, đại lý gạo ở TP.HCM mới nhập hàng về chứ không phải quanh năm đều có gạo bán ra thị trường.
Các thương nhân cho biết, tính đến nay, các loại gạo màu đặc sản hoàn toàn chỉ sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước. Chưa có đơn vị nào xuất khẩu các loại sản phẩm này ra các thị trường nước ngoài. Nguồn lúa, gạo màu phần lớn vẫn do thương lái mua gom từ các khu vực biên giới Tây Nam, đặc biệt là nhập về từ Campuchia rồi phân phối lại.
Cơ hội phục hồi nhiều vùng sản xuất
Từ đầu năm 2009, phối hợp với Trung tâm giống cây trồng tỉnh Long An, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Đồng Tháp Mười đã tiến hành chuyển giao hơn 600kg lúa giống huyết rồng cho các nông hộ ở huyện Vĩnh Hưng (tỉnh Long An) để gieo trồng trên diện tích 120 ha tại khu vực xã Thái Trị. Trong các mùa vụ qua, theo phản ánh của bà con nông dân, mặc dù năng suất lúa không cao nhưng giá cả khá cạnh tranh, có thương lái tìm mua và có thể tiếp tục đầu tư sản xuất.
Theo ông Nguyễn Viết Cường- Giám đốc Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Đồng Tháp Mười: Nhiều năm qua do bà con nông dân tập trung sản xuất các giống lúa năng suất cao, thời gian gieo trồng ngắn nên diện tích lúa huyết rồng vốn năng suất thấp, gieo trồng dài ngày bị thu hẹp dần và mất đi. nhưng sau thời gian nghiên cứu, trung tâm đã khôi phục được giống lúa này với các đặc trưng: hạt dài, màu đỏ sậm, cơm mềm, thơm, càng nhai càng có vị ngọt và bùi. “Trong các năm tới, trung tâm sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng và ngành nông nghiệp tỉnh Long An, tiếp tục tiến hành xây dựng quy trình sản xuất, chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hoá và đăng ký thương hiệu độc quyền cho giống lúa này”- ông Cường nói.
Mới đây hơn (tháng 12/2010), các nhà khoa học tại Phòng Nông nghiệp và Pphát triển nông thôn huyện Cai Lậy (Tiền Giang) đã nhân giống thành công giống lúa than đặc sản cực ngắn ngày (80-85 ngày), cho gạo chất lượng cao. Giống lúa than này nằm trong bộ giống lúa đặc sản do Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) cung cấp từ năm 2002, các nhà khoa học và cán bộ kỹ thuật nông nghiệp huyện Cai Lậy đã đưa về trồng khảo nghiệm, đánh giá và chọn lọc bằng phương pháp điện di protein (công nghệ di truyền hiện đại). Hiện do lượng giống còn khá hạn chế nên trong vụ đông xuân 2010- 2011 mới chỉ trồng được khoảng gấn 10 ha tại HTX Mỹ Thành (xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy) theo quy trình GlobalGAP.
Các vụ sản xuất tiếp theo trong năm 2011 có khả năng mở rộng lên hàng trăm ha nhằm tạo vùng lúa giống cung ứng sản xuất đại trà. Theo tiến sĩ Lê Hữu Hải-Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cai Lậy, đây là giống lúa có năng suất dao động từ 40-50 tạ/ha, kháng cháy lá rất tốt, gạo có màu đen, mềm cơm và mùi thơm đặc trưng. Như vậy, việc đưa giống lúa than đặc sản này vào sản xuất đại trà mở ra hướng mới cho nông dân trong việc phát huy lợi thế trồng các giống lúa cao cấp cung cấp cho thị trường.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, do giữ lại được lớp vỏ lụa màu nên hàm lượng anthocyanin-một chất có tiềm năng chống lại bệnh ung thư, tim mạch và nhiều bệnh khác- trong các loại gạo màu đặc sản còn khá nguyên vẹn. Nếu trong 1 tháng dành ra khoảng 10 ngày ăn các loại gạo màu thay vì gạo trắng bình thường thì có thể giúp cơ thể giải độc, hạ cholesterol trong máu, trị dứt bệnh đau nhức gân cốt, khớp xương ngón chân tay, thải độc tố trong gan, ngừa bệnh đau gan, ngừa ung thư ngũ tạng,… |
Mai Ca