Sản xuất công nghiệp: Đối diện nhiều thách thức
Tại hội nghị về tình hình sản xuất và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh 6 tháng cuối năm vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, bà Phan Thị Thanh Xuân – Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam - cho biết, doanh nghiệp đang đối diện với rất nhiều khó khăn do tỷ lệ tồn kho cao, dự kiến khoảng 40%. Các đơn hàng mới từ tháng 8/2022 đến quý I/2023 cũng vô cùng khó khăn, nhiều doanh nghiệp do thiếu đơn hàng nên đã phải dừng sản xuất. Cùng với đó là chi phí logisticscao, thiếu hụt nguồn lao động và đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu do Trung Quốc vẫn duy trì chính sách "Zero Covid-19".
Bổ sung thêm những khó khăn của doanh nghiệp, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam(VITAS) - cho hay, hiện nhiều doanh nghiệp ngành dệt may gặp rất nhiều khó khăn do dịch Covid-19 chưa kiểm soát được triệt để, tại nhiều quốc gia trên thế giới dịch đã bùng phát trở lại. Bên cạnh đó, tình hình thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tăng giá năng lượng và nguyên vật liệu. Đặc biệt, nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có những quốc gia là thị trường xuất khẩu của dệt may Việt Nam lạm phát gia tăng, ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu của ngành dệt may những tháng cuối năm.
Doanh nghiệp ngành dệt may gặp nhiều khó khăn |
Cùng chung những khó khăn như doanh nghiệp ngành dệt may và da giày, bà Đỗ Thị Thúy Hương – Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ (VASI) - cho rằng, tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động, cộng với chính sách "Zero Covid-19" của Trung Quốc đã khiến doanh nghiệp công nghiệp điện tử thiếu hụt linh kiện cho sản xuất, đồng thời tỷ lệ tồn kho cao. Tập đoàn Samsung đặt cứ điểm sản xuất tại Việt Nam nhưng trong tháng 5/2022 cũng báo cáo giảm sản lượng 20% và tồn kho lớn với khoảng 50 triệu sản phẩm trên toàn cầu. Trong khi đó, doanh nghiệp điện tử trong nước không nằm độc lập mà phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp toàn cầu, nên chịu ảnh hưởng chung.
Để hóa giải thách thức cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, theo bà Phạm Thị Tình - Trưởng ban Tư vấn giải pháp chuỗi cung ứng (Liên minh Hỗ trợ công nghiệp Việt Nam) - trong bối cảnh hiện nay, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cơ quan chức năng cần tạo cơ hội cho doanh nghiệp kết nối đầu chuỗi, tìm kiếm nhà cung cấp tại Việt Nam để giảm chi phí nhập khẩu và tránh đứt gãy nguồn cung, đồng thời tạo thuận lợi cho nhà sản xuất trong nước bán được hàng.
Liên quan đến chi phí nguyên, nhiên liệu và logistics tăng cao, ông Nguyễn Duy Minh – Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) - đề xuất, để bình ổn giá thị trường nguyên, nhiên liệu, các cơ quan chức năng cần có sự tác động để ổn định giá xăng dầu và lạm phát. Bởi khi giá xăng dầu tăng sẽ tác động tới nguồn nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp và đời sống người dân.
Theo các chuyên gia, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp hoạt động, hồi phục sau Covid-19. Cùng với đó, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. |