CôngThương - Điểm khiến các doanh nghiệp sản xuất đứng ngồi không yên trong lúc này là “hậu” quyết định thay đổi tỷ giá ngoại tệ với mức nới rộng tới 9,3% mới đây. Với thực tế nhập khẩu nguyên phụ liệu cho sản xuất đang chiếm tỷ trọng lớn ở nhiều ngành sản xuất chỉ phục vụ nhu cầu trong nước là chính như sắt thép, phân bón, nhựa... hay gia công xuất khẩu như dệt may, da giày, tỷ giá ngoại tệ tăng như vậy đã tác động không nhỏ tới hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Ngoài ra, lãi suất ngân hàng vẫn cao ngất ngưởng khiến cho các doanh nghiệp không dám tiếp cận. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa không có cơ hội tìm được nguồn vốn tốt ở các ngân hàng thương mại trong nước và câu chuyện doanh nghiệp è cổ làm lợi cho ngân hàng vẫn đang là câu chuyện chưa có hồi kết.
Bên cạnh áp lực từ việc tìm kiếm vốn vay và tỷ giá tăng, các doanh nghiệp sẽ phải đương đầu với việc giá điện sẽ điều chỉnh từ ngày 1/3 tới như chấp thuận mới đây của Chính phủ. Tuy các mức tăng giá chính xác còn phải chờ các quyết định cụ thể, dự kiến sẽ được công bố trong vài ngày tới, nhưng chắc chắn các hoạt động sản xuất sẽ bị ảnh hưởng mạnh. Cùng với tất cả những diễn biến nêu trên, điều đáng nói là trong khi đó, hiệu quả đầu tư lại vẫn là câu chuyện đau đầu.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành xác nhận, năm 2010, theo báo cáo của Chính phủ, để đạt được 7% tăng trưởng GDP, Việt Nam đã phải đầu tư 42% GDP. Nghĩa là để tăng thêm 1 VND sản xuất, chúng ta phải đầu tư 6 VND. So với các quốc gia trong khu vực, thì hệ số ICOR của Việt Nam là rất cao.