Sản xuất cột điện bê tông: Tuân thủ thiết kế và quy chuẩn
Cột điện bị gãy đổ do mưa bão |
Ưu điểm cột điện bê tông ly tâm ứng lực
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn đường dây (Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 1), cột bê tông thường khác cột bê tông ly tâm ở phương pháp sản xuất. Cột bê tông ly tâm được sản xuất bằng phương pháp quay ly tâm. Trên thế giới hiện nay, các cột dùng trong truyền tải điện phổ biến là công nghệ bê tông ly tâm kết hợp cốt thép ứng lực (cột điện bê tông ly tâm ứng lực trước), sản xuất theo công nghệ thép kéo ứng suất trước kết hợp với quay ly tâm bê tông mác cao để tạo ra cột.
Cốt thép trong bê tông ly tâm ứng lực trước có cường độ cao, được kéo căng bằng máy kéo ứng suất trước, đạt tới một giá trị ứng suất nhất định theo thiết kế, nằm trong giới hạn đàn hồi trước khi các kết cấu bê tông cốt thép này chịu tải. Lực căng cốt thép làm cho kết cấu bê tông biến dạng ngược với biến dạng do tải trọng gây ra sau này, khi kết cấu làm việc. Nhờ đó, kết cấu bê tông dự ứng lực trước có thể chịu tải trọng lớn gần gấp đôi so với khi không căng cốt thép ứng suất trước.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng thông tin: Ưu điểm về cột điện ứng lực trước chịu lực ở đầu cột lớn hơn. Do bê tông được ứng suất trước nên sản phẩm cột bê tông ly tâm dự ứng lực sẽ không bị biến dạng, bị nứt trong quá trình vận chuyển, lắp dựng và sử dụng. Bê tông được ứng suất trước kết hợp với quay ly tâm đã làm cho cột điện bê tông đặc, chắc, chịu được tải trọng cao, không nứt, tăng khả năng chống thấm, chống ăn mòn cốt thép. Do sử dụng bê tông và thép cường độ cao nên tiết diện cốt thép giảm, dẫn đến trọng lượng của sản phẩm giảm rất nhiều, thuận lợi cho việc di dời, vận chuyển, thi công, lắp dựng.
Tuân thủ thiết kế và các quy chuẩn
Trên thế giới, các loại cột được sử dụng trong lĩnh vực điện lực, viễn thông, chiếu sáng... đều được sản xuất theo công nghệ bê tông ly tâm cốt thép ứng lực trước nhờ có những ưu điểm vượt trội về kết cấu, độ bền và giá thành hợp lý.
Ở Việt Nam, thời gian qua, nhiều đơn vị đã chuyển đổi công nghệ sang sản xuất cột điện bê tông ly tâm ứng lực trước. Ông Nguyễn Mạnh Hùng lý giải, bất cứ loại cột bê điện tông nào sản xuất ra đều được tuân thủ theo thiết kế và các quy chuẩn, tiêu chuẩn của quốc gia đó và được kiểm tra chất lượng trước khi lắp đặt. Còn về nguyên nhân gãy đổ trong mùa mưa bão, do có nhiều tải trọng bất lợi khác nhau không thể dự báo trước tác dụng lên cột điện bê tông như cây đổ, vật cản nặng tác dụng lên cột… Thiệt hại này bất cứ quốc gia nào trên thế giới hay chịu tác động của mưa bão cũng đều bị ảnh hưởng.
Lãnh đạo Trung tâm Tư vấn đường dây chỉ ra, trước hết phải kiểm tra, khẳng định cột điện đổ là cột điện bê tông ứng lực trước hay bê tông thường? Nếu là bê tông ứng lực trước, thiết kế sản xuất cốt thép được căng trước nên khi gãy, cột điện cốt thép bị đứt sẽ co về hai đầu rút vào trong bê tông với độ sâu khoảng 1cm. Do vậy, với cột điện bê tông ly tâm ứng lực trước, cốt thép có đường kính nhỏ bằng mắt thường khó có thể thấy được cốt thép mà chỉ thấy được những lỗ đường kính của cốt thép trên bề mặt bê tông. Đây là hiện tượng quán tính bình thường của vật lý, giống như sợi dây đang căng mà đứt ra thì sẽ co về 2 đầu và cốt thép trong bê tông này cũng tương tự.
Cột điện bê tông ly tâm ở Việt Nam được chế tạo theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN: 5847-2016, áp dụng cho các loại cột điện bê tông cốt thép ứng lực trước và không ứng lực trước sản xuất theo phương pháp ly tâm. |