Ngôi nhà số 48 Hàng Ngang hiện nay.
CôngThương - Từ nhiều năm nay, từ các thị trấn, thị xã cho đến Thủ đô Hà Nội đã có nhiều con đường được mang tên các danh nhân. Thế nhưng tiếc thay, cho đến nay, theo ông Nguyễn Quốc Hải - Phó chủ tịch CLB Các nhà Công Thương Việt Nam, cả nước chỉ mới có duy nhất một con đường mang tên doanh nhân. Đó là đường Nguyễn Sơn Hà của TP. Hải Phòng. Đối với doanh nhân Lương Văn Can, con đường mang tên cụ với danh nghĩa chí sĩ yêu nước hơn là vị thế một doanh nhân.
Có lẽ không thể kể hết những đóng góp to lớn của doanh nhân Việt Nam trong Cách mạng Tháng Tám, hai cuộc kháng chiến và sự nghiệp xây dựng đất nước hôm nay.
Chỉ xin lấy một nhân vật tiêu biểu, đó là doanh nhân Trịnh Văn Bô và cũng chỉ nêu ngắn gọn 3 sự kiện:
Thứ nhất,ngay từ trước và trong những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám (1945), gia đình doanh nhân Trịnh Văn Bô đã hiến tặng cho chính quyền Cách mạng 5.147 lượng vàng, tương đương với 2.000.000 đồng Đông Dương, bằng gần gấp đôi số tiền có trong ngân khố quốc gia – khi đó là 1.200.000 đồng.
Thứ hai,hầu hết các trang phục tại buổi Lễ đọc Tuyên ngôn Độc lập đều do gia đình ông cung cấp.
Thứ ba,căn nhà 48 Hàng Ngang của gia đình ông là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn chỉnh bản Tuyên ngôn Độc lập và dùng làm nơi làm việc của Việt Minh những ngày đầu độc lập.
Đó là chưa kể, tuy là nhà tư sản giàu có nhưng ông đã cùng gia đình lên chiến khu tham gia kháng chiến và đến năm 1955, khi giải phóng Thủ đô, ông tham gia lãnh đạo với chức vụ Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội.
Với những công lao và đóng góp to lớn như vậy nhưng không hiểu vì sao cho đến nay TP. Hà Nội vẫn chưa có con đường mang tên Trịnh Văn Bô?
Phải chăng vẫn còn nghi ngại đối với giai cấp doanh nhân? Vẫn chưa thoát khỏi “vòng kim cô” của một quan niệm cổ hủ: Sĩ – Nông – Công – Thương?