UBND tỉnh Lạng Sơn có “ưu ái” chấp thuận đầu tư cho Thủy điện Tràng Định 2? |
Theo Quyết định số 1661/QĐ-XPHC ngày 6/7/2022 của Chủ tịch UBND huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn, Công ty Cổ phần Thủy điện Tân Việt Bắc Lạng Sơn đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính: “Chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn”.
Cụ thể: Công ty chiếm đất trồng cây hàng năm để thi công Dự án Nhà máy Thủy điện Tràng Định 2 mà chưa hoàn thành các thủ tục về đất đai (giao đất, thuê đất với Nhà nước) theo quy định của pháp luật.
Tổng diện tích chiếm đất là 9.894,9 m2 quy định tại điểm d khoản 2 Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Vi phạm được phát hiện ngày 7/4/2022; Thời điểm vi phạm từ tháng 1/2022 đến nay, tại Nà Nghịu (Nà Mằn cũ), thôn 3, xã Đào Viên.
Hành vi vi phạm cụ thể: Chiếm đất trồng cây hàng năm để làm đường đất từ tháng 1/2022 đến nay, có tổng diện tích là 3.889,5 m2; đổ đá, cát sỏi cuội lòng sông lên đất trồng cây hàng năm từ tháng 2/2022 đến nay, có tổng diện tích là 6.005,4 m2.
Về biện pháp khắc phục hậu quả, Chủ tịch UBND huyện Tràng Định buộc Công ty thực hiện tiếp tục thủ tục giao đất, thuê đất theo quy định đối với trường hợp sử dụng đất khi chưa thực hiện xong thủ tục giao đất, thuê đất; Đồng thời buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm với tổng số tiền 11.256.938 đồng. Số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi chiếm đất được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định số 91/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung tại tiết 2 khoản 2 Điều 1 Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022. Thời hạn thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả 60 ngày.
Dự án Thủy điện Tràng Định 2 của Công ty cổ phần Thủy điện Tân Việt Bắc Lạng Sơn làm chủ đầu tư |
Trước đó, liên quan đến dự án Thủy điện Tràng Định 2, ngày 12/5, Vuasanca có đăng tải kiến bạn đọc phản ánh Dự án Thuỷ điện Tràng Định 2 của Công ty cổ phần Thủy điện Tân Việt Bắc Lạng Sơn làm chủ đầu tư chưa giải phóng xong mặt bằng nhưng đã rầm rộ thi công ảnh hưởng nghiêm trọng tới an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Theo đó, hơn 60 hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số ở xóm Nà Mằn, thôn 3, xã Đào Viên, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn phản ánh: Dự án Thủy điện Tràng Định 2 thi công khi chưa có phương án đền bù giải phóng mặt bằng, di dời, tái định cư người dân đang “đe dọa” kế sinh nhai của họ. Công trình này do Công ty Cổ phần Thủy điện Tân Việt Bắc Lạng Sơn làm chủ đầu tư. Dự án có tổng vốn đầu tư 1.048,6 tỷ đồng, có quy mô công suất thiết kế 29,8 MW. Hình thức sử dụng đất là nhà đầu tư thuê đất với Nhà nước (dự án thuộc đối tượng được Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điều 62 Luật Đất đai năm 2013). Diện tích đất dự kiến sử dụng 212,86 ha.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 đến nay, người dân rất hoang mang khi chưa nhận được phương án đền bù giải phóng mặt bằng, người dân chưa được di dời, nhưng chủ đầu tư đã đưa hàng chục xe tải, máy móc vào thi công. Việc công ty thi khiến khiến cho bờ sông bị thay đổi dòng chảy, diện tích đất trồng hoa màu của người dân cũng bị nhấn chìm xuống dòng sông.
Không chỉ có vậy, sau khi đăng tải, Vuasanca tiếp tục nhận được thông tin phản ánh của bạn đọc về dự án này, xung quanh việc điều cấp phép cho chủ đầu tư.
Cụ thể, ngày 19/6/2021, ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn ký Quyết định số 1200/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án Thủy điện Tràng Định 2 cho Công ty cổ phần Thủy điện Tân Việt Bắc Lạng Sơn. Dự án có quy mô công suất thiết kế: 29,8 MW; cấp công trình: công trình công nghiệp cấp II với tổng vốn đầu tư: 1.048,6 tỷ đồng. Địa điểm thực hiện dự án: xã Đào Viên, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn.
Hình thức sử dụng đất: Nhà đầu tư thuê đất với Nhà nước để thực hiện dự án (dự án thuộc đối tượng được Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điều 62 Luật Đất đai năm 2013) với diện tích đất dự kiến sử dụng 212,86 ha. Tiến độ thực hiện dự án theo phê duyệt là, từ Quý IV/2021 - Quý II/2022: hoàn thành giai đoạn chuẩn bị đầu tư, các thủ tục hành chính về xây dựng, môi trường. Quý III/2022: hoàn thiện thủ tục đất đai và các phần việc liên quan. Quý I/2023: khởi công xây dựng công trình, đến Quý I/2025: hoàn thiện dự án, bắt đầu đi vào hoạt động.
Máy móc của Công ty cổ phần Thủy điện Tân Việt Bắc Lạng Sơn |
Tuy nhiên, theo phản ánh, Công ty cổ phần Thủy điện Tân Việt Bắc Lạng Sơn được chấp thuận chủ trương đầu tư khi chưa đáp ứng đủ điều kiện. Bởi, đối chiếu theo Thông tư 43/2012/TT-BCT của Bộ Công Thương (quy định về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng dự án thủy điện và vận hành khai thác công trình thủy điện) thì công ty này chưa đáp ứng được khoản 3 Điều 13.
Cụ thể, khoản 3, Điều 13 quy định: “Nhà đầu tư hiện không là Chủ đầu tư một dự án khác đang chậm triển khai hoặc chậm tiến độ quá 12 tháng so với quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư, trừ trường hợp được tạm ngừng hoặc giãn tiến độ thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư. Nhà đầu tư phải cung cấp bản sao các hồ sơ liên quan đến việc thực hiện các dự án mà mình làm Chủ đầu tư cho cơ quan có thẩm quyền cho phép đầu tư xem xét và phải chịu trách nhiệm về sự chính xác các thông tin này”.
Vậy nhưng, theo thông tin từ bạn đọc, Công ty cổ phần Thủy điện Tân Việt Bắc Lạng Sơn hiện đang là chủ đầu tư một dự án khác không chỉ chậm mà còn chưa triển khai trên thực tiễn. Đó là dự án Thủy điện Đèo Khách được UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1861/QĐ-UBND ngày 27/9/2019. Dự án Thủy điện Đèo Khách được thực hiện tại xã Tân Việt, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn với công suất thiết kế: 5 MW. Dự kiến nhu cầu sử dụng đất: 46,11 ha với tổng vốn đầu tư là hơn 214 tỷ đồng.
Theo Quyết định số 1861/QĐ-UBND, tiến độ của Thủy điện Đèo Khách được thực hiện như sau: Quý IV/2019: Hoàn thành các thủ tục về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường,... Quý IV/2019 đến quý II/2021: Khởi công xây dựng và hoàn thành xây dựng, lắp đặt thiết bị các hạng mục công trình. Quý III/2021: Phát điện, khánh thành công trình.
Quyết định số 1861/QĐ-UBND cũng nêu rõ: Sau 12 tháng nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký và không thuộc trường hợp được giãn tiến độ thực hiện dự án theo quy định thì bị chấm dứt hoạt động dự án đầu tư.
Thế nhưng dù đã bước sang năm 2022 nhưng Dự án Thủy điện Đèo Khách vẫn chưa thi công. Công trình cũng chưa được tạm ngừng hoặc giãn tiến độ thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Có thể thấy, tại thời điểm UBND tỉnh Lạng Sơn chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận cho Công ty cổ phần Thủy điện Tân Việt Bắc Lạng Sơn tiếp tục thực hiện dự án Thủy điện Tràng Định 2 có dấu hiệu chưa xem xét thấu đáo các điều kiện cấp phép cho dự án. Từ đó, dư luận buộc phải đặt ra câu hỏi: Có hay không động cơ khác trong việc cấp phép dự án Thủy điện Tràng Định 2? Phải chăng UBND tỉnh Lạng Sơn đang “ưu ái” phê duyệt cho Công ty cổ phần Thủy điện Tân Việt Bắc Lạng Sơn thực hiện dự án thủy điện trái quy định của Bộ Công Thương?