Sẽ đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa thăm dò
Luật khoáng sản có hiệu lực từ ngày 1/7/2011, quy định việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản sẽ được thực hiện cả ở khu vực hoạt động khoáng sản nhưng chưa thăm dò khoáng sản và khu vực hoạt động khoáng sản đã thăm dò khoáng sản.
CôngThương - Theo đó, đối với quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác, Luật quy định địa phương nơi có khoáng sản được khai thác được Nhà nước điều tiết khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ phát triển kinh tế- xã hội theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có trách nhiệm hỗ trợ chi phí đầu tư nâng cấp, duy tu, xây dựng hạ tầng kỹ thuật sử dụng trong khai thác khoáng sản và xây dựng các công trình phúc lợi cho địa phương nơi có khoáng sản được khai thác theo quy định của pháp luật; kết hợp khai thác với xây dựng hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ, phục hồi môi trường theo dự án đầu tư khai thác khoáng sản; nếu gây thiệt hại đến hạ tầng kỹ thuật, công trình, tài sản khác thì tùy theo mức độ thiệt hại phải có trách nhiệm sửa chữa, duy tu, xây dựng mới hoặc bồi thường theo quy định của pháp luật; ưu tiên sử dụng lao động địa phương vào khai thác khoáng sản và các dịch vụ có liên quan; cùng với chính quyền địa phương bảo đảm việc chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân có đất bị thu hồi để khai thác khoáng sản.
Đối với quy hoạch khoáng sản, Luật quy định có quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản chung cả nước; quy hoạch khai thác, sử dụng từng loại, nhóm khoáng sản làm vật liệu xây dựng cả nước và quy hoạch khai thác, sử dụng từng loại, nhóm khoáng sản khác cả nước; quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Đối với quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản chung của cả nước, quy hoạch này sẽ xác định các khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia và khu vực dành cho hoạt động khoáng sản cũng như xác định thời gian, tiến độ thăm dò, tiến độ khai thác khoáng sản phục vụ cho nhu cầu của các ngành kinh tế trong từng thời kỳ. Các ngành sản xuất sẽ căn cứ vào quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản chung của cả nước để lập quy hoạch khai thác, sử dụng từng loại, nhóm khoáng sản phục vụ cho nhu cầu sản xuất phát triển của ngành mình.
Quy hoạch khai thác, sử dụng từng loại, nhóm khoáng sản được lập đối với khu vực hoạt động khoáng sản đã có trong quy hoạch chung của cả nước. Trong quy hoạch sẽ chỉ rõ khu vực mỏ, loại khoáng sản được đầu tư khai thác và tiến độ khai thác cũng như xác định rõ quy mô, công suất khai thác, yêu cầu về công nghệ khai thác khoáng sản theo thời gian trong kỳ quy hoạch…
Như vậy, việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản được thực hiện cả ở khu vực hoạt động khoáng sản nhưng chưa thăm dò khoáng sản và khu vực hoạt động khoáng sản đã thăm dò khoáng sản. Trường hợp trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản thì tổ chức, cá nhân trúng đấu giá khai thác khoáng sản phải thực hiện việc thăm dò khoáng sản. Kết quả thăm dò khoáng sản do Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia thẩm định và phê duyệt để bảo đảm lợi ích quốc gia.
Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng mua đi bán lại giấy phép các dự án nhằm trục lợi gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, Luật có quy định nguyên tắc, điều kiện tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản được chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản và chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, trình tự, thủ tục chuyển nhượng quyền thăm dò, quyền khai thác khoáng sản.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa đổi Luật khoáng sản sẽ giúp cho việc quản lý tài nguyên cũng như việc bảo vệ môi trường được đảm bảo tốt hơn. Đồng thời có thể loại bỏ được nhưng doanh nghiệp không đạt yêu cầu gây ô nhiễm và ảnh hưởng tới đời sống dân cư xung quanh khu vực.