“Sẽ tịch thu phương tiện vận chuyển than trái phép”
- Phối hợp có hiệu quả, nhưng còn hạn chế
Nhằm tạo thuận lợi cho các đơn vị thành viên của Vinacomin hoạt động trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên than, ngày 24/11/2010, UBND tỉnh Quảng Ninh và Vinacomin đã ký “Kế hoạch phối hợp quản lý hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh than trên địa bàn tỉnh”.
Sau những cuộc họp bàn, trao đổi; xây dựng, ký quy chế phối hợp hoạt động và xây dựng mô hình “Khu phố tự quản về an ninh trật tự, đấu tranh phòng chống khai thác, vận chuyển, tiêu thụ than trái phép”…, với sự tham gia của nhiều cơ quan, ban, ngành của Quảng Ninh và Vinacomin; đến nay đã có chuyển biến, ông Nguyễn Văn Đọc - Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: “Mô hình này bước đầu đã mang lại hiệu quả. UBND tỉnh và Vinacomin đang xem xét, đánh giá hoạt động của mô hình để nhân rộng, tổ chức cho các địa phương có sản xuất than vận dụng phù hợp với tình hình thực tế tại địa bàn”.
Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh - Phạm Minh Chính: “Khai thác than trái phép không như nấu rượu lậu vì không thể che giấu được. Nơi nào không phát hiện được các điểm khai thác than trái phép thì chỉ có hai khả năng: hoặc là cán bộ liên quan bị vô hiệu hóa hoặc là cán bộ chẳng còn ý chí đấu tranh, không còn phẩm chất đạo đức”. |
Về phía Vinacomin, ông Lê Minh Chuẩn - Tổng giám đốc tập đoàn - cho hay, để ngăn chặn hiện tượng khai thác, vận chuyển, kinh doanh than trái phép, từ năm 2008, Vinacomin đã chỉ đạo siết chặt công tác quản lý, đặc biệt là khu vực trong ranh giới quản lý thuộc các công ty thành viên có thuê đơn vị ngoài Vinacomin bốc xúc đất đá, giám sát không để các cá nhân, tổ chức lợi dụng đưa than ra ngoài tiêu thụ. Vinacomin cũng chỉ đạo các đơn vị không thuê hoặc liên doanh, liên kết bến cảng ngoài quy hoạch. Đồng thời, tăng cường giám sát các kho bãi tập kết cũng như các phương tiện vận chuyển. Đặc biệt, thực hiện Quyết định 29/2008/QĐ-BCT của Bộ Công Thương về việc thu mua than trôi nổi, “Vinacomin đã chỉ đạo các đơn vị thành viên tích cực đàm phán để thu mua triệt để lượng than tồn đọng trong dân, hạn chế tình trạng kinh doanh, xuất khẩu than trái phép” – ông Lê Minh Chuẩn cho biết thêm.
Cũng theo ông Chuẩn, hiện nay, Vinacomin đang kiến nghị Chính phủ sớm ban hành quy định cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh than đối với tất cả các đơn vị có liên quan để quản lý than cuối nguồn.
Tại cuộc họp, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh - Vũ Chí Thực - thông báo, thời gian qua, công an tỉnh đã điều tra 8 vụ, khởi tố 63 bị can vi phạm quy định thăm dò, khai thác tài nguyên với tổng thiệt hại lên tới trên 5,4 tỷ đồng. “Từ ngày 24/11/2010 đến 31/1/2012, lực lượng công an đã bắt giữ, xử lý, triệt phá 124 lán trại và đình chỉ 184 lượt điểm khai thác, tái khai thác than trái phép, thu giữ gần 1.200 tấn than và xử lý vi phạm hành chính 11 vụ, 11 đối tượng, xử phạt với số tiền trên 38 triệu đồng”.
Mặc dù đạt được một số kết quả ban đầu, song theo đánh giá chung vẫn còn nhiều hạn chế. Khai thác than trái phép diễn biến phức tạp, tập trung tại các phường Cao Xanh, Cao Thắng, Hà Khánh thuộc ranh giới quản lý của Công ty than Hòn Gai; phường Đại Yên, Việt Hưng thuộc ranh giới của Công ty than Thăng Long (Tổng công ty Đông Bắc); các xã Tân Dân (huyện Hoành Bồ) và khu vực Đồng Vông nằm trong ranh giới quản lý của Công ty PT. Vietminco và Công ty TNHH MTV than Uông Bí.
Ngoài ra, tại phường Hà Phong, Hà Tu vẫn còn tình trạng một số hộ dân tổ chức sàng, rửa ét-tốc gây lấp sông suối, mất trật tự. Thậm chí tại tổ 8 và 11, khu 4, phường Hà Tu có hai điểm đã tồn tại trong nhiều năm, nhưng chưa được xử lý.
Đặc biệt, trên địa bàn nhiều phường vẫn diễn ra tình trạng người dân lập các bãi nhỏ để thu gom, tập kết, chế biến và tiêu thụ than trái phép.
Bên cạnh đó, công tác thu mua, giải tỏa lượng than tồn đọng trên địa bàn, nhất là loại than có độ tro (AK) lớn hơn 65% còn tồn rất lớn. Cụ thể, tại Hoành Bồ còn 8.400 tấn; Hạ Long là 17.750 tấn; Cẩm Phả còn 118.599 tấn; Đông Triều tồn 1.600 tấn và còn tồn đọng tới 52.850 tấn đá xít.
Những đề xuất táo bạo
Bàn về các biện pháp tăng cường hiệu quả công tác quản lý hoạt động khai thác, kinh doanh than trái phép thời gian tới, Chủ tịch Nguyễn Văn Đọc cho rằng, than xuất lậu chủ yếu đi theo đường tiểu ngạch và được vận chuyển bằng các phương tiện đường thủy. Tuy nhiên, trước khi đưa ra các tàu thì phải vận chuyển bằng đường bộ. Vì vậy, ông Đọc đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành xem xét khả năng cấm vận chuyển than trên một số tuyến đường dẫn ra các cảng; quy định than chính ngạch phải vận chuyển trên những tuyến đường cố định.
Thêm vào đó, để ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh than trái phép, cần điều tra, xem xét nguồn gốc của than.“Có những buổi tối, trên địa bàn TP. Hạ Long, các lực lượng chức năng phát hiện hàng ngàn tấn than trái phép. Không thể có cá nhân, tổ chức ngoài ngành than đủ năng lực sản xuất lượng than lớn như vậy trong một đêm. Vậy nó ở đâu ra?” - ông Đọc đặt câu hỏi và khẳng định: có hiện tượng móc nối giữa các đơn vị thuộc Vinacomin và các đối tượng ngoài ngành. Vì vậy, Vinacomin phải quản lý chặt chẽ hơn nguồn than của các đơn vị thành viên. Đối với các lộ vỉa mới phát hiện, Vinacomin phải lập hồ sơ đề nghị Chính phủ cho phép tổ chức khai thác chính thức thay vì khai thác tận thu như hiện nay để đảm bảo quản lý được nguồn gốc than.
Về khó khăn hiện tại của ngành than, ông Vũ Chí Thực phân tích: Qua công tác nắm tình hình, chúng tôi khẳng định ngành than hiện rất khó khăn. Nguồn than trái phép hiện vẫn còn, nhưng phải xem xét nguồn đó từ đâu ra. Muốn vậy, phải tính toán khả năng đáp ứng (vốn, công nghệ, nhân lực…) của ngành than là bao nhiêu, còn lại phải liên doanh, liên kết với các đơn vị ngoài ngành để đáp ứng yêu cầu về sản lượng. Có được số liệu này sẽ thấy ngay được số lượng các đơn vị, sản lượng mà ngành than phải thuê các đơn vị bên ngoài (tham gia bốc xúc, vận chuyển than, đất đá) và sẽ tính được số liệu lượng than bị tuồn ra ngoài. Làm được như vậy, mới có thể kiểm soát được tình trạng vận chuyển, kinh doanh, xuất khẩu than trái phép.
Ông Thực đề nghị, ngoài các lực lượng hiện nay, cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của lực lượng biên phòng, cảnh sát biển, hải quân, hải quan thì mới ngăn chặn được tình trạng vận chuyển, xuất lậu than. Ông cũng đề xuất thêm: UBND tỉnh và Vinacomin cần nghiên cứu cơ chế xã hội hóa bằng việc huy động và có cơ chế hỗ trợ người dân tại khu vực khai thác than tham gia quản lý, tương tự như mô hình khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng.
Kết luận cuộc họp, ông Phạm Minh Chính - Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh - chỉ đạo công an tỉnh phải kiểm tra, giám sát tất cả các xe ô tô vận chuyển than của Vinacomin theo danh sách Vinacomin đã cung cấp cho UBND tỉnh. Yêu cầu Ban cán sự Đảng, UBND tỉnh và lãnh đạo Vinacomin phối hợp thành lập Ban chỉ đạo và một tổ giúp việc để giải quyết các vấn đề nảy sinh trong hoạt động quản lý, khai thác, kính doanh than.
Đồng thời, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh đưa ra phương án: Sẽ tịch thu phương tiện vận chuyển than trái phép, vì chỉ có làm như vậy thì công tác chỉ đạo mới có hiệu lực. Tuy nhiên, cần báo cáo xin ý kiến của HĐND tỉnh trước khi triển khai.
Ông Chính nhấn mạnh: “Chúng ta phải làm việc trên cơ sở ý chí của nhân dân, chứ không thể làm việc trên quan điểm nhà lãnh đạo”.
Đồng tình với ý kiến chỉ đạo này, ông Nguyễn Văn Đọc quả quyết :“Chúng ta có thể quy định theo hướng, tịch thu phương tiện và phát mại, lấy nguồn tài chính đó để hỗ trợ cho người nghèo”.
Hoàng Châu