Mặc dù PVTM là nội dung tương đối mới với Việt Nam, nhưng theo ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng, Cục PVTM, Bộ Công Thương nhấn mạnh, trong những năm gần đây, có thể thấy, chúng ta cũng đã bắt đầu chủ động sử dụng công cụ PVTM để thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng và bảo vệ lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước. Theo đó, tính đến nay, Việt Nam đã tiến hành điều tra 23 vụ việc PVTM đối với hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam với các sản phẩm thép, kính nổi, nhôm thanh định hình, sản phẩm vật liệu hàn...
Các biện pháp PVTM đang là "lá chắn" bảo vệ hiệu quả ngành sản xuất trong nước |
Riêng trong 6 tháng đầu năm, Bộ Công Thương đã tiến hành triển khai nhiều vụ việc về điều tra áp dụng các biện pháp PVTM đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam. Cụ thể như, sau khi ban hành Quyết định 1162/QĐ-BCT ngày 2/4/2021 áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) tạm thời đối với sản phẩm thép hình chữ H từ Malaysia, ngày 1/8, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1975/QĐ-BCT áp dụng biện pháp CBPG chính thức đối với một số sản phẩm thép hình chữ H có xuất xứ từ Malaysia. Ngoài ra, Bộ Công Thương đã hoàn thành việc rà soát lần thứ nhất biện pháp CBPG đối với một số sản phẩm thép phủ màu có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc; tiến hành điều tra, áp dụng biện pháp CBPG đối với một số sản phẩm sorbitol có xuất xứ từ Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia và một số sản phẩm sợi dài làm từ polyester có xuất xứ từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia.
Bên cạnh đó, theo đại diện Cục PVTM, do diễn biến dịch Covid- 19, giá bán của một số mặt hàng quan trọng đối với các ngành công nghiệp… có xu hướng tăng lên đồng thời nguồn cung trong nước cũng bị thiếu hụt tại nhiều thời điểm. Tuy nhiên, quy định pháp luật về PVTM của Việt Nam và WTO không có quy định cho phép Chính phủ tạm dừng hoặc tự điều chỉnh thuế PVTM trước những diễn biến ngắn hạn của thị trường. Việc điều chỉnh thuế PVTM được thực hiện theo quy trình rà soát hàng năm hoặc rà soát cuối kỳ. Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan để đánh giá, rà soát các biện pháp PVTM một cách khách quan, tổng thể và phù hợp với quy định của pháp luật, tính tới tình hình thị trường, quyền lợi của người sử dụng.
Hiện tại, Cục PVTM đang tiến hành rà soát một số sản phẩm phôi thép và thép dài; rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp CBPG với một số mặt hàng thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc; hoàn thành việc rà soát lần thứ nhất biện pháp CBPG đối với một số sản phẩm nhôm thanh định hình có xuất xứ từ Trung Quốc
Cùng với đó, Cục PVTM cũng đã tiếp nhận và đang trong quá trình thẩm định hồ sơ đề nghị điều tra áp dụng biện pháp PVTM đối với sản phẩm bàn ghế nội thất, thép mạ thiếc; đồng thời tiếp tục tham vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hiệp hội theo dõi, xây dựng hồ sơ đề nghị điều tra áp dụng biện pháp PVTM đối với một số sản phẩm nhập khẩu như: lốp ô tô, giấy, chống lẩn tránh biện pháp PVTM với sản phẩm đường mía, thiết bị vệ sinh bằng sứ. Đối với các sản phẩm đặc biệt là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nhưng trong nước không sản xuất được, Cục PVTM cũng đã xem xét và cấp miễn trừ áp dụng biện pháp PVTM theo quy định tại Thông tư 37/2019/TT-BCT để tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Ông Chu Thắng Trung - nhận định, các biện pháp PVTM được sử dụng một cách hợp lý đang tiếp tục góp phần thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng và bảo vệ được lợi ích chính đáng của nhiều ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh chúng ta đã và đang hội nhập ngày càng sâu vào kinh tế khu vực và kinh tế thế giới. Đặc biệt, nhờ có các biện pháp PVTM, các ngành sản xuất trong nước được bảo vệ trước những hành vi cạnh tranh không bình đẳng của hàng nhập khẩu, từ đó có điều kiện để phát triển, tạo thêm việc làm và giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Ở góc độ tiêu dùng, các biện pháp PVTM trong dài hạn giúp cho nền kinh tế không bị phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu, đem lại sự ổn định và bền vững hơn trước các các tác động và cú sốc từ bên ngoài.
Thời gian tới, trong bối cảnh các nền kinh tế toàn cầu đều chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, theo ông Chu Thắng Trung, ngành sản xuất trong nước của Việt Nam cũng như hầu hết các quốc gia đều gặp khó khăn vì vậy, các biện pháp PVTM sẽ tiếp tục được Bộ Công Thương triển khai mạnh mẽ trong các tháng cuối năm 2021.
Theo kế hoạch đề ra, Cục PVTM sẽ tăng cường sử dụng biện pháp PVTM để bảo vệ sản xuất trong nước, cụ thể sẽ chú trọng đến nhóm công tác trọng tâm. Đó là, hoàn thành các vụ việc PVTM đang tiến hành điều tra; thẩm định, báo cáo lãnh đạo Bộ về việc triển khai điều tra các vụ việc PVTM mới; thông báo và tiến hành rà soát các vụ việc PVTM; thông báo và xử lý yêu cầu miễn trừ các biện pháp PVTM. Đồng thời, theo dõi cập nhật thường xuyên diễn biến giá của các mặt hàng đang áp dụng biện pháp PVTM. Trên cơ sở đó, phân tích và đánh giá khách quan tác động kinh tế, xã hội của các biện pháp PVTM đang áp dụng khi tiến hành rà soát cuối kỳ các biện pháp PVTM theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, theo đại diện Cục PVTM cho biết, Bộ Công Thương sẽ tăng cường phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng theo dõi các mặt hàng nhập khẩu có dấu hiệu gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước để kịp thời tham vấn, điều tra, áp dụng biện pháp PVTM phù hợp; tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ về PVTM trong khuôn khổ Đề án xứ lý các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương; cũng như tăng cường theo dõi phân tích và đánh giá tình hình nhập khẩu đối với các sản phẩm thuộc phạm vi áp dụng các biện pháp PVTM đang áp dụng để có kiến nghị xử lý kịp thời nếu xuất hiện hành vi lẩn tránh biện pháp PVTM.