Năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 23/2020/NĐ-CP quy định về quản lý khai thác cát, sỏi và bảo vệ lòng, bờ bãi sông, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/4/2020.
Song thực tế tại nhiều địa phương, tình trạng san, lấp, kè bờ, lấn sông, cải tạo cảnh quan các vùng đất ven sông hoặc khai thác khoáng sản, cát, sỏi lòng sông còn diễn ra phổ biến, gây sạt, lở bờ sông nghiêm trọng. Ví dụ: Nhiều vị trí đáy sông Hồng, đoạn qua địa bàn TP. Hà Nội đã bị sụt 2-3 m so với 5-10 năm trước. Hay nạn khai thác cát lậu dai dẳng trên sông Đồng Nai nhiều năm khiến 2 bờ sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống của người dân; việc khai thác cát quá mức cũng khiến đáy sông Tiền, sông Hậu hạ thấp xuống mức trung bình 1,3m, nước chảy xiết và ăn ngầm bên dưới tạo ra "hàm ếch" rộng, gây sạt lở bờ sông, bờ biển…
Tuy nhiên, công tác xử lý tình trạng khai thác cát lậu gặp nhiều khó khăn, vì đối tượng thường khai thác trộm từ nửa đêm đến rạng sáng. Trong khi lực lượng chức năng lại mỏng so với yêu cầu quản lý nhà nước về vấn đề này.
Một đoạn sông Đồng Nai trên địa bàn huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) ban ngày khá yên ắng nhưng đêm đến cát tặc vẫn lộng hành |
Chuyên gia cảnh báo, hoạt động khai thác cát sỏi quá mức sẽ gây sạt lở bờ sông, thay đổi dòng chảy tự nhiên, đe doạ các công trình; bên cạnh đó, nếu không có biện pháp quản lý hiệu quả thì nguồn tài nguyên này sẽ cạn kiệt trong tương lai.
Do đó, để bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, đảm bảo sự lưu thông của dòng chảy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành liên quan tổ chức thực hiện đầy đủ nội dung của Nghị định số 23/2020/NĐ-CP, trong đó lưu ý khi thẩm định đánh giá tác động môi trường đối với các dự án khai thác cát, sỏi và cải tạo cảnh quan cần tuân thủ đầy đủ về thẩm quyền, quy định kỹ thuật và yêu cầu về bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.
Cụ thể, đối với dự án khai thác cát, sỏi lòng sông, việc cấp phép thăm dò, khai thác ngoài tuân thủ pháp luật về khoáng sản, môi trường còn phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 8, Điều 9, Điều 14 và Điều 15 của Nghị định, trong đó phải bảo vệ, duy trì khả năng thoát lũ của sông; không gây bồi lắng, xói, lở lòng sông, gây mất ổn định bờ, bãi sông và ảnh hưởng đến chức năng của nguồn nước. Các tổ chức, cá nhân được phép khai thác cát, sỏi lòng sông thực hiện nghiêm yêu cầu công khai thông tin Giấy phép khai thác về thời gian khai thác; phương tiện khai thác đã đăng ký khi cấp phép; phạm vi, công suất khai thác để người dân, địa phương giám sát.
Đối với các dự án cải tạo cảnh quan ven sông: Đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 14 và Điều 18 của Nghị định, trong đó hạn chế tối đa việc lấn sông, thu hẹp không gian chứa, thoát lũ của sông. Trường hợp đặc biệt phải lấn sông để thực hiện các biện pháp phòng, chống sạt, lở bờ sông, bảo đảm sự ổn định của bờ sông, vùng đất ven sông hoặc yêu cầu khác về bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, thì phải gắn với các yêu cầu về cải tạo cảnh quan ven sông và phần diện tích sông bị lấn chỉ sử dụng cho mục đích công cộng, quốc phòng, an ninh, trừ trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép.
UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức điều tra, đánh giá diễn biến dòng chảy, bồi lắng, xói lở lòng, bờ, bãi sông trên các sông thuộc địa bàn; tổ chức khoanh định khu vực cấm hoặc tạm thời cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh; tăng cường kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về khoáng sản...