Sở Công Thương Quảng Nam lên nhiều phương án chủ động ứng phó với Covid-19
Theo đó, căn cứ mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đến thị trường, cơ bản đảm bảo nhu cầu hàng hóa tiêu dùng tối thiểu của nhân dân bao gồm lương thực (gạo, nếp...); thực phẩm chế biến (đường, sữa, bột ngọt, dầu ăn, nước chấm, nước giải khát, bánh mứt, kẹo...); thực phẩm tươi sống (thịt gia súc, gia cầm, trứng gà, trứng vịt, rau củ, quả...); thuốc trị bệnh cho người...
Ông Nguyễn Quang Thử- Giám đốc Sở Công Thương Quảng Nam - cho hay, đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh đẩy mạnh tạo nguồn hàng, tăng lượng dự trữ đảm bảo số lượng, chất lượng, ổn định giá bán, tổ chức cung ứng kịp thời tại các điểm bán hàng phục vụ nhu cầu của người dân. Kịp thời hỗ trợ đảm bảo nhu cầu tiêu dùng thực phẩm thiết yếu ở mức độ tiêu dùng tối thiểu cho người dân ở khu vực bị cách ly do dịch bệnh.
Trên cơ sở đánh giá số dân, nhu cầu tiêu dùng, thói quen mua sắm và đặc điểm hệ thống phân phối trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, có thể giả định, đánh giá tình hình thị trường, cung ứng hàng hóa theo 4 cấp độ của dịch bệnh nCoV, cụ thể:
Cấp độ 1: Có trường hợp bệnh xâm nhập; cấp độ 2: Khi dịch bệnh có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn tỉnh: hoạt động sản xuất, kinh doanh diễn ra bình thường, một số bộ phận người dân có tâm lý hoang mang sẽ mua hàng hóa tích trữ gây hiện tượng thiếu hàng cục bộ tại một số điểm bán hàng; cấp độ 3: Dịch bệnh lây lan trên địa bàn tỉnh với trên 10 trường hợp mắc: lượng lao động tham gia trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh giảm do bị nhiễm bệnh hoặc do lo sợ bị bệnh, không đi làm, dẫn đến hoạt động lưu thông, cung ứng hàng hóa cho thị trường chậm. Bên cạnh đó, sức mua của người dân cho nhu cầu dự trữ giả định tăng từ 30-40%; cấp độ 4: Dịch bênh lây lan rộng trong cộng đồng với trên 200 trường hợp mắc: xuất hiện các khu vực bị cách ly do dịch bệnh, hoạt động sản xuất kinh doanh trong khu vực bị cách ly giả định ngừng hoạt động, cần sự hỗ trợ và cung cấp trực tiếp về thực phẩm thiết yếu và hàng hóa phục vụ sinh hoạt cho các khu vực này. Đồng thời, tập trung cung cấp thực phẩm cho các khu vực bị cách ly.
Đại diện Sở Công Thương Quảng Nam cho hay, đơn vi đã phân công cán bộ thường xuyên nắm bắt tình hình cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng phục vụ người dân khi xảy ra dịch bệnh và diễn biến tình hình của dịch bênh trên địa bàn. Khi xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa, các nhóm thông tin lập tức báo cáo lãnh đạo phòng, lãnh đạo sở qua điện thoại.
Sở Công Thương Quảng Nam đã ban hành phương án đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn tỉnh ứng phó với dịch |
Đồng thời, Sở Công Thương cũng chỉ đạo các doanh nghiệp có phương án đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu và mặt hàng có nhu cầu cao khi có dịch trong hệ thống phân phối để sẵn sàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Phối hợp với các tỉnh, thành phố kết nối cung cầu đảm bảo nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn.
Ngoài ra, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên địa bàn về công tác chuẩn bị, đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân trên địa bàn, đồng thời kêu gọi người dân không mua gom, tích trữ hàng hóa tránh gây hiện tượng thiếu hàng, tăng giá. Rà soát các kho hàng hóa trên địa bàn tỉnh để chuẩn bị sẵn sàng hỗ trợ cho các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa phục vụ nhân dân.
Đặc biệt, phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến đối với các mặt hàng phục vụ chống dịch và mặt hàng thiết yếu.