Báo cáo Vietnam Fintech Report 2020 được công bố gần đây cho biết, Việt Nam đang là một điểm đến đầu tư trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech). Năm 2019, Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn thứ 2 trong khu vực ASEAN, thu hút 36% tống số vốn đầu tư trong khu vực.
Số lượng các công ty hoạt động trong lĩnh vực fintech cũng tăng chóng mặt, từ 44 công ty vào năm 2017 lên đến 123 công ty vào năm 2020, tăng 180%. Trong đó, thanh toán vẫn là phân khúc lớn nhất, chiếm 31% trong tổng số lượng start up fintech. Lĩnh vực thương mại điện tử đã có sự bùng nổ vào quý 2/2020 khi đạt được 12,7 tỷ lượt ghé thăm, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2019.
Báo cáo kinh tế số E-Conomy SEA 2020 của Google và Temasek khẳng định, VNPay – một phương tiện thanh toán điện tử chính thức trở thành kỳ lân công nghệ. Đây là kỳ lân thứ 2 tại Việt Nam (sau VNG) nhưng là kỳ lân đầu tiên trong lĩnh vực fintech. Ví điện tử MoMo trong năm 2020 cũng tuyên bố sở hữu 20 triệu khách hàng cá nhân, lượng khách hàng của hãng này cũng tăng 40 lần chỉ trong vòng 5 năm. Trong lĩnh vực ngân hàng, Ngân hàng số Timo Plus dù chỉ mới thành lập 5 năm nhưng cũng đã thu hút hàng triệu người dùng. Trong quý 1/2020, tổng giao dịch thanh toán điện tử đã tăng 76% so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, báo cáo Vietnam Fintech Report 2020 khẳng định, ngành fintech của Việt Nam vẫn còn non trẻ so với nhiều quốc gia ASEAN khác. Tính đến cuối năm 2019, Singapore có 1.157 công ty fintech, là nơi đặt trụ sở của 45% doanh nghiệp công nghệ tài chính tại Đông Nam Á, chiếm 51% tổng vốn đầu tư; Indonesia có 511 công ty; Malaysia có 376 công ty; Thái Lan có 216 công ty…
Mặt khác, các giải pháp công nghệ tài chính chỉ tăng cục bộ ở khu vực thành thị. Trong khi đó, tại nông thôn, nơi tập trung đến 70% dân số, tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng rất thấp, chưa tính đến ngân hàng số và các phương pháp thanh toán trực tuyến.
Năm 2021, Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng.
Dự thảo Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm sandbox trong hoạt động công nghệ tài chính (fintech) có 7 lĩnh vực được Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị sandbox gồm thanh toán, tín dụng, cho vay ngang hàng (P2P) hay cho vay online, hỗ trợ định danh khách hàng điện tử (eKYC), giao diện lập trình ứng dụng mở, ứng dụng blockchain, hỗ trợ hoạt động ngân hàng (chấm điểm tín dụng, tiết kiệm, huy động vốn…).