Số phận amiăng trắng: Chờ thông tin kết quả bỏ phiếu từ COP7
Hội nghị Công ước Basel, Stockholm và Rotterdam 2015 tại Geneva, Thụy Sỹ từ 4-15/5/2015 |
Đoàn Chính phủ Việt Nam tham dự COP7 gồm các thành viên đến từ Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Một trong những điểm nóng của COP7 là việc thảo luận quan điểm về cấm sử dụng amiăng trắng, biểu quyết đưa vật liệu này vào phụ lục III Công ước Rotterdam (Phụ lục các loại hóa chất công nghiệp và thuốc bảo vệ thực vật phải quản lý đặc biệt) nhằm thực hiện quy chế kiểm soát thương mại chặt chẽ với amiăng trắng được coi là thủ phạm gây ra xơ hóa phổi, ung thư phổi, màng phổi, màng tim và một số loại ung thư khác mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) khuyến cáo cấm sử dụng.
Việc cấm sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam hàng chục năm qua gây nhiều tranh cãi giữa những cá nhân, tổ chức ủng hộ quan điểm cấm và quan điểm cho sử dụng có kiểm soát an toàn. Tại COP6 diễn ra hồi tháng 5/2013, trong số 154 thành viên Công ước Rotterdam, Việt Nam là một trong 7 nước chống đưa amiang trắng vào phụ lục III cùng với Ấn Độ, Nga, Ukraine, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Zimbabwe.
Những người ủng hộ cấm cho rằng, Việt Nam phủ quyết do chịu sự tác động lèo lái của Nhóm Vận động quốc tế chống đối việc cấm sử dụng amiăng trắng dẫn đầu là Nga (nước xuất khẩu amiăng chính sang Việt Nam và thị trường quốc tế), thành viên của nhóm vận động quốc tế này có sự tham gia của Ban lãnh đạo Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam - ngành sản xuất tấm lợp fibroximăng sử dụng lượng amiăng trắng chủ yếu nhập khẩu vào Việt Nam hiện nay.
Phía ủng hộ sử dụng cho rằng, những bằng chứng “kết tội” amiăng trắng chưa thuyết phục, nhất là trong thực tiễn sử dụng từ mấy chục năm ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới. Việc Chính phủ cho kéo dài thời hạn cấm sử dụng amiăng trắng là phù hợp bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước, vì đây là loại vật liệu có độ bền cao, giá thành rẻ, dễ sử dụng, phù hợp với thu nhập của đông đảo người dân, nhất là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa. Thực tế tấm lợp fibroximăng vẫn đã và đang đóng góp lớn cho việc xóa nhà tranh của đồng bào vùng sâu, vùng xa, nông thôn, tạo việc làm và thu nhập cho hàng vạn lao động trong ngành…
Nguồn tin quốc tế cho hay, tại COP7 Nhóm Vận động quốc tế chống đưa amiăng vào phụ lục III Công ước Rotterdam đã cử đến hội nghị 22 thành viên đại diện từ Hiệp hội Amiang trắng quốc tế (IOA), các nước Ấn Độ, Nga, Brazil... và Việt Nam (thành viên Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam). Còn đại diện phía ủng hộ cấm amiăng từ các tổ chức dân sự, xã hội Việt Nam đến COP7 cũng có 2 đại diện trong vai trò quan sát viên và là thành viên của Liên minh quốc tế Vận động tuân thủ Công ước Rotterdam thúc đẩy đoàn Chính phủ Việt Nam bỏ phiếu thuận.
Cho đến thời điểm hiện tại, có 55 nước cấm sử dụng amiăng trắng. Thông tin ngày đầu tiên của COP7 có thêm một nước là Nepal mới thông qua Luật Cấm sử dụng amiăng trắng có hiệu lực vào cuối năm 2015.
Ngày 19/9/2014, Chính phủ Việt Nam đã có văn bản 7307/VPCP-KGVX giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan lên phương án không chống việc đưa amiăng trắng vào phụ lục III Công ước Rotterdam. Một tuần trước COP7 diễn ra, tại Hà Nội, các tổ chức xã hội dân sự (RTCCD/EBHPD/NGO-IC) với sự tham gia của Bộ Y tế, WHO cùng 10 bộ ngành và tổ chức quốc tế liên quan khác đã đồng tổ chức Hội thảo "Tham vấn Xây dựng kế hoạch loại trừ bệnh liên quan tới amiang". Tại hội thảo này, đại diện phía Bộ Công Thương đã tiết lộ quan điểm của đoàn đại diện Chính phủ Việt Nam tại COP7 là sẽ không phản đối đưa amiăng trắng vào phụ lục III.
"Số phận" aminăng trắng tại Việt Nam cụ thể ra sao hãy chờ kết quả biểu quyết từ COP7 trước khi hội nghị này bế mạc./.