Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh thông tin về việc hết 6 vắc xin tiêm chủng mở rộng
Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh thông tin, từ nhiều năm qua, việc cung vắc xin thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng do Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đảm trách. Tuy nhiên, kể từ năm 2022 đến nay, việc cung ứng vắc xin thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng bị gián đoạn do thay đổi về cơ chế mua sắm vắc xin sau khi kết thúc Chương trình mục tiêu y tế - dân số. Điều này đã làm gián đoạn cung ứng một số vắc xin thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng trên địa bàn thành phố trong một khoảng thời gian nhất định, trong đó có vắc xin sởi, bạch hầu - ho gà - uốn ván và vắc xin 5 trong 1.
TP. Hồ Chí Minh hiện đã hết 6 vắc xin Chương trình TCMR |
Từ ngày 15/8/2023, ngành Y tế thành phố nhận được 12.400 liều vắc xin 5 trong 1 do Bộ Y tếphân bổ từ nguồn hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc. Sau thời gian triển khai tiêm vắc xin cho trẻ em theo đúng quy định.
Tuy nhiên, hiện TP. Hồ Chí Minh đã hết 6 loại vắc xin, đó là vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván, viêm gan B, sởi, bại liệt tiêm, sởi - rubella, vắc xin 5 trong 1, thời gian tới dự kiến còn nhiều loại vắc xin sẽ hết.
Trước tình hình này, ngành Y tế TP. Hồ Chí Minh tiếp tục kiến nghị Bộ Y tế chỉ đạo đẩy nhanh lộ trình cung ứng vắc xin thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố tiếp tục điều phối hợp lý nguồn vắc xin còn lại giữa các địa phương trên địa bàn và hướng dẫn các trạm y tế phường, xã rà soát, quản lý chặt chẽ danh sách trẻ đến lượt tiêm mới, tiêm nhắc lại để kịp thời nhắc và triển khai tiêm sớm nhất khi có nguồn vắc xin được cung ứng trở lại.
Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh thông tin thêm, theo thông tin từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, khả năng cao đến cuối tháng 12/2023 mới có lại nguồn cung ứng vắc xin thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Theo ông Nguyễn Hải Nam - Phó Chánh văn phòng Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, trong thời gian chờ phân bổ vắc xin từ Bộ Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh tiếp tục hướng dẫn phụ huynh cách phòng tránh bệnh truyền nhiễm cho trẻ. Các trạm y tế thực hiện rà soát, quản lý chặt chẽ danh sách trẻ đến lượt tiêm mới, tiêm nhắc lại để kịp thời nhắc và triển khai tiêm, sớm nhất khi có nguồn vắc xin được cung ứng trở lại.