Theo UBND tỉnh Sóc Trăng, giá trị xuất khẩu 9 tháng của tỉnh ước đạt 1.345 triệu USD, tăng 19,98% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu hàng thủy sản đạt 750 triệu USD, tăng 10,72%; xuất khẩu gạo đạt 510 triệu USD, tăng 51,63%; xuất khẩu hàng may mặc đạt 83 triệu USD, giảm 19%.
Đây là thành quả từ việc tỉnh Sóc Trăng tập trung đầu tư và phát triển hai thế mạnh nông nghiệp chủ lực là thủy sản và lúa gạo.
Trong 9 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu của Sóc Trăng hơn 1,3 tỷ USD. Ảnh minh họa |
Cụ thể, tỉnh Sóc Trăng tiếp tục triển khai các mô hình sản xuất lúa theo hướng an toàn, nâng cao chất lượng và giá trị; nâng cao cơ giới hóa trong sản xuất, như: Khâu làm đất đạt 100%; diện tích gieo sạ, bón phân bằng máy phun hạt trên 22%; sử dụng máy bay không người lái đạt trên 24% diện tích gieo trồng; bơm tưới đạt 100%; thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp đạt trên 98% diện tích thu hoạch.
Đặc biệt, tổ chức lễ khởi động thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” và triển khai mô hình thí điểm “Canh tác lúa giảm phát thải, quản lý rơm, nước và phân bón” tại tỉnh Sóc Trăng.
Trong 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh xuống giống được 337.874 ha lúa, tăng 2,27% so cùng kỳ; đã thu hoạch được 332.736 ha (đạt 98,47% so tổng diện tích lúa đã xuống giống) với sản lượng 2,15 triệu tấn, tăng 5,08%. Trong đó, sản lượng lúa đặc sản, chất lượng cao chiếm 94,53% và sản lượng lúa đặc sản, thơm các loại chiếm 51,52% tổng sản lượng lúa. Một số giống lúa được gieo trồng chủ yếu như: Đài Thơm 8 (32,8%), OM 18 (19,6%), OM 5451 (16,6%), OM 34 (6,1%), ST 25 (6,1%),…
Trong nuôi trồng thủy sản, tỉnh Sóc Trăng tiếp tục triển khai các giải pháp phát triển nuôi tôm nước lợ; phát triển thủy sản bền vững. Nhân dịp Lễ kỷ niệm 65 ngày truyền thống ngành thủy sản, tỉnh tổ chức thả trên 2 triệu con sú giống về môi trường tự nhiên để tái tạo nguồn lợi thủy sản, trị giá khoảng 300 triệu đồng.
Bên cạnh đó, nhiều mô hình nuôi tôm có hiệu quả được nhân rộng, như: Nuôi tôm 2 giai đoạn, nuôi tôm sú lót bạt bờ có hố siphon xử lý chất thải, nuôi tôm tuần hoàn khép kín, ứng dụng công nghệ cao (diện tích nuôi tôm lót bạt đạt 4.872 ha). Tổng diện tích thả nuôi thủy sản được 68.231 ha, tăng 1,16% so cùng kỳ (chủ yếu do tăng diện tích nuôi cá các loại).
Trong đó, tôm nước lợ 47.003 ha, giảm 1,32%; cá và thủy sản khác 21.228 ha, tăng 7,10%. Tỷ lệ diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại là 5,10% (tỷ lệ cùng kỳ là 4,10%). Tổng sản lượng thủy hải sản 289.575 tấn, tăng 1,58% so cùng kỳ; trong đó, sản lượng nuôi trồng 237.652 tấn (tăng 1,50%), sản lượng khai thác 51.923 tấn (tăng 1,94%).
Ngoài xuất khẩu, các lĩnh vực khác của tỉnh Sóc Trăng cũng ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng ước tăng 10,07% so với cùng kỳ do các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh đều tăng trưởng từ 1,77%-32% so cùng kỳ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội 9 tháng ước đạt 77.256 tỷ đồng, tăng 17,66% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 48.524 tỷ đồng, tăng 15,61%.
Ngành dịch vụ du lịch có nhiều khởi sắc, thu hút khách du lịch đến tham quan, doanh thu tiếp tục tăng trưởng. Trong 9 tháng, tổng lượt khách du lịch đến tỉnh ước đạt 2.449.963 lượt, tăng 13% so cùng kỳ; tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 1.323.148 triệu đồng, tăng 20%.
Ngành dịch vụ vận tải hoạt động ổn định và tiếp tục đà tăng trưởng, đảm bảo hoạt động vận chuyển hành khách, lưu thông hàng hóa được duy trì, liên tục và ổn định. Trong 9 tháng, sản lượng vận chuyển hành khách đạt 24,4 triệu hành khách, tăng 16,88% so cùng kỳ năm 2023; sản lượng vận chuyển hàng hoá đạt 44,92 triệu tấn, tăng 9,44%.