Sơn La: Mận trái mùa được giá
Giá trị kinh tế cao
Vào giữa tháng 10 dương lịch, thời tiết se lạnh, những vườn mận ở Mộc Châu bắt đầu ra hoa và đến đầu tháng 12 dương lịch cho quả trái mùa đầu tiên. Thời điểm mận trái mùa nhiều nhất vào tháng 1 - 3 dương lịch.
Mận trái mùa đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân Mộc Châu |
Trước đây, người dân Mộc Châu không quan tâm đến mận trái mùa vì quả nhỏ, sản lượng ít, lại có vị đắng, thường bị nứt. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, bà con đã biết áp dụng khoa học - công nghệ để kích các đợt hoa sớm, nên trái mận ngày càng sai. Đặc biệt, năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi, lại được chăm sóc tốt nên quả mận to, mẫu mã đẹp hơn mọi năm. Điều đáng nói, quả mận có độ chua dôn dốt chứ không chát; thậm chí, những quả to chín ngọt như mận chính vụ.
Ứớc tính của các hộ dân trồng mận ở Mộc Châu, trung bình một vườn với khoảng 1.000 gốc mận hậu mỗi lượt cho thu khoảng 20 - 25kg (khoảng 4 ngày sẽ được thu 1 lượt). Trong khi cùng số lượng gốc như vậy, mấy năm trước, cả vụ chỉ thu được 5 - 10kg. Với giá bán 50.000 đồng/kg, gia đình nào có nhiều mận trái vụ năm nay đều vui mừng vì “được mùa, được giá”.
Theo những hộ dân trồng mận lâu năm, mận chín sớm bên cạnh yếu tố quan trọng về khí hậu, đất đai thì việc chăm sóc cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của quả. Từ các khâu như dọn cỏ, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật cho cây phải đúng thời điểm mới đảm bảo năng suất và chất lượng quả. Dù giá đắt, nhưng mận trái mùa ở Mộc Châu đang được khách hàng ưa chuộng. Cùng với thu nhập từ mùa quả chính vụ và các sản phẩm chế biến từ mận hậu, mận trái vụ đã và đang giúp những người nông dân trên cao nguyên Mộc Châu có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Đây cũng là hướng đi để người trồng mận nghiên cứu, triển khai quy hoạch, chăm sóc vùng trồng cây chính vụ và trái vụ nhằm tạo nguồn thu nhập cao vào các thời điểm khác nhau trong năm.
Linh hoạt xúc tiến thương mại
Ngoài chất lượng quả mận là yếu tố quan trọng thu hút người mua, huyện Mộc Châu nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung thời gian qua đã linh hoạt các hình thức xúc tiến đầu tư, thương mại. Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các ngành chức năng của tỉnh đã đổi mới hình thức xúc tiến đầu tư tại chỗ; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã kết nối giao thương bằng hình thức trực tuyến; tổ chức các điểm bán hàng lưu động, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử...
Tại Mộc Châu, để đẩy mạnh tiêu thụ mận, huyện đã tích cực phối hợp với các ngành của tỉnh tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối với doanh nghiệp tiêu thụ nông sản nói chung và hiện đang tập trung thu hoạch, tiêu thụ mận trái vụ. Đồng thời, hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân đẩy mạnh giao dịch nông sản thông qua sàn thương mại điện tử.
Nhờ đó, qua đợt dịch Covid-19, nhiều nông dân, hợp tác xã đã thay đổi tư duy, chủ động sơ chế, chế biến và bán hàng qua các kênh thương mại điện tử. Đơn cử, Hợp tác xã Nông nghiệp Quyết Thanh, huyện Mộc Châu đã giới thiệu các sản phẩm mận lên sàn thương mại điện tử Shopee Farm, Sendo, Voso.
Bên cạnh truyền thông theo hình thức truyền thống (tổ chức hội chợ, tuần hàng...), các ngành chức năng của Sơn La sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người tiêu dùng về sàn thương mại điện tử, các mô hình 4.0 thông qua hoạt động truyền thông đa kênh trên môi trường trực tuyến..., giúp người nông dân đẩy mạnh tiêu thụ nông sản. |