Theo Bản tin dự báo của Đài Khí tượng thuỷ tỉnh Sơn La (MNDR-74/15h30/SOLA ngày 26/7/2024) từ chiều tối ngày 28/7 đến ngày 01/8/2024, trên địa bàn tỉnh Sơn La có khả năng xảy ra mưa vừa đến mưa to và dông, có nơi mưa rất to, với lượng mưa phổ biến từ 70-200mm/đợt, có nơi trên 300mm. Trong mưa dông đề phòng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều ngày mưa lớn kéo dài gây sạt lở đất, lũ quét, ngập úng làm thiệt hại nặng nề về người, tài sản và cơ sở hạ tầng. Trong đợt mưa lớn này cần đề phòng nguy cơ cao xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất ở các khu vực có địa hình dốc như: Ven sông suối, sườn đồi, các công trình đang thi công và ngập úng đô thị và các vùng trũng, thấp.
Thành phố Sơn La nhiều tuyến đường bị ngập do mưa lớn trong đêm ngày 23, rạng sáng ngày 24/7 |
Trước tình hình trên, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) tỉnh nhấn mạnh: Để chủ động ứng phó mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn có thể làm quá tải hệ thống thoát nước đô thị, gây ra ngập úng trong các khu dân cư, ách tắc giao thông do ngập úng và đảm bảo an toàn về người và tài sản, Trưởng ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành của tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung khắc phục nhanh hậu quả đợt mưa lũ vừa qua và chủ động ứng phó với đợt mưa lũ sắp tới, trong đó tập trung chỉ đạo, chủ động triển khai thực hiện các nội dung cụ thể như:
Đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả nhằm đảo bảo an toàn tính mạng cho người dân. Khẩn trương thực hiện ngay một số giải pháp cấp bách để bảo đảm an toàn cho nhân dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét; đồng thời, tổ chức hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, chỗ ở để ổn định đời sống cho người dân bị mất nhà so sạt lở, lũ quét hoặc phải di dời…. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân kỹ năng để chủ động ứng phó khi có lũ quét cũng như nhận biết về dấu hiệu, nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét để huy động sức mạnh của nhân dân trong việc phát hiện, thông báo các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét.
Mưa lớn trong đêm ngày 23 và sáng ngày 24 đã làm nhiều hộ dân tại thành phố Sơn La chìm trong biển nước |
Tổ chức rà soát, bố trí lực lượng kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện lưu thông qua các ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, không cho người và phương tiện qua lại khi không đảm bảo an toàn.
Đối vớ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác bảo đảm an toàn công trình hồ đập thủy lợi, nhất là các hồ đập xung yếu, không để xảy ra sự cố bất ngờ gây thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân…
Đối với Sở Giao thông vận tải: Chỉ đạo rà soát, kiểm tra các tuyến giao thông, tăng cường kiểm tra, rà soát các tuyến đường tỉnh, quốc lộ bị hư hỏng, ngập, chia cắt khắc phục nhanh các sự cố sạt lở, ngập sâu, đảm bảo thông tuyến nhanh nhất và an toàn giao thông trên tuyến (đảm bảo giao thông bước 1), bố trí lực lượng kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn giao thông tại những khu vực bị sạt lở, ngầm, tràn, khu vực ngập sâu... để đảm bảo an toàn.
Đối với Sở Công Thương, Công ty Điện lực, Công ty Thủy điện Sơn La: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao chủ động chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn đối với lực lượng và công trình thuộc lĩnh vực quản lý của ngành, nhất là hồ đập thủy điện, hệ thống cung cấp, truyền tải điện.
Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh tiếp tục nắm bắt tình hình tại các địa phương; triển khai công tác ứng phó, tìm kiếm, cứu nạn, bảo đảm kịp thời, hiệu quả khi có yêu cầu.
Đài Khí tượng thủy văn tỉnh cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin, dự báo, cảnh báo tình hình diễn biễn thời thiết, thuỷ văn và thiên tai về cấp độ và phạm vi ảnh hưởng cho Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, các cơ quan chức năng theo quy định và cơ quan thông tin đại chúng để thông báo cho các tổ chức, nhân dân biết chủ động phòng tránh, ứng phó.
Sở Y tế đảm cơ số thuốc dự phòng, tổ chức khám chữa bệnh, tập trung cứu chữa đối với những người bị thương; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai ngay công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại những nơi mưa lũ đã rút, chủ động triển khai các phương án phòng, chống dịch bệnh có thể phát sinh sau mưa lũ. Đồng thời, hướng dẫn người dân trong vùng bị ảnh hưởng cách vệ sinh môi trường, khử trùng nguồn nước, giữ gìn vệ sinh, phòng tránh những bệnh truyền nhiễm và phát sinh mầm bệnh…