Dẫn đầu bởi Quỹ Touchstone Partners, vòng gọi vốn lần này của UrBox còn có sự góp mặt của Quỹ Pavilion Capital và nhà đầu tư hiện tại là VinaCapital Ventures.
"Với vòng gọi vốn lần này, UrBox sẽ tập trung vào việc tối ưu nền tảng, xây dựng một hệ sinh thái toàn diện cho các khách hàng tổ chức, các đối tác của UrBox, song song với việc tăng trải nghiệm của người dùng cuối. Đây sẽ là bước đi quan trọng trong việc tạo các lợi thế cạnh tranh cho các nhãn hàng trong thời gian tới" - ông Bùi Hoài Nam, nhà đồng sáng lập UrBox chia sẻ.
Ông Trần Nhật Khanh - Giám Đốc điều hành quỹ Touchstone Partners cho biết: UrBox liên tục chứng minh cho thị trường về giá trị lâu dài họ mang tới cho khách hàng là các tập đoàn và tổ chức lớn khi tăng trưởng một cách ấn tượng, hơn 30 lần tổng doanh thu hàng hoá quà tặng từ năm 2019 đến nay. Từ một mô hình khá mới mẻ chỉ vài năm trước, UrBox đã chứng tỏ vị trí không thể thay thế với nhiều khách hàng tổ chức nội địa và đa quốc gia. Bằng việc mang đến nhà đồng đầu tư nước ngoài danh tiếng trong vòng gọi vốn lần này, chúng tôi tin tưởng rằng UrBox sẽ là 1 trong những nhân tố chủ đạo trong tương lai số hóa dịch vụ khách hàng của các nhãn hàng ở Việt Nam và xa hơn thế nữa.
UrBox ra mắt vào 2017, là nền tảng kết nối các chương trình quà tặng, chương trình chăm sóc khách hàng thân thiết của doanh nghiệp với mạng lưới nhà cung cấp hơn 200 nhà cung cấp và 15.000 điểm chấp nhận đổi quà bao gồm cả online lẫn offline. UrBox liên tục mang lại những giải pháp ưu việt cho hơn 500 khách hàng tố chức ở nhiều ngành nghề khác nhau như Vietnam Airlines, Samsung, AIA, JCB, VIB, HSBC, VPBank, Starbucks, Grab…
Theo Allied Market Research, một công ty nghiên cứu thị trường quốc tế có trụ sở tại Portland, quy mô thị trường thẻ quà tặng toàn cầu được định giá là 619,25 tỷ đô la vào năm 2019 và dự kiến đạt 1.922,87 tỷ đô la vào năm 2027 (tăng trưởng với tốc độ CAGR 15,4%). Tại thị trường Châu Á, các giải pháp về quà tặng đã có tốc độ tăng trưởng rất mạnh ở những nước như Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản. Trong đó, kinh tế Việt Nam đang trên đà tăng trưởng, đặc biệt nền kinh tế đa sắc màu này sẽ có sự đóng góp không nhỏ từ thế hệ Z (Gen-Z), nhóm có khuynh hướng chi tiêu tốt và coi trọng chất lượng cao trong dịch vụ. Chính vì vậy, các sản phẩm cho nhóm này sẽ bùng nổ trong thời gian tới.
Theo ước tính, thị trường quà tặng số của Việt Nam sẽ khoảng 2,4 tỷ đô la vào năm 2024 và thị trường thương mại số được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR 29% đạt đến 57 tỷ đô la vào năm 2025 (theo “e-Conomy SEA 2021” của Google và Temasek).