Khó tiêu thụ, sử dụng tro, xỉ
Tại Hội thảo “Quản lý, vận chuyển, xử lý, tiêu thụ tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện một cách bền vững và thân thiện môi trường” do Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp – Bộ Công Thương tổ chức tại Đông Triều, Quảng Ninh ngày 20/4; ông Phạm Trọng Thực – Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp - nhận định, nhiệt điện là một trong những ngành phát sinh chất thải lớn. Số liệu từ 23 NMNĐT đang vận hành cho thấy, lượng tro, xi phát sinh hàng năm khoảng 12,2 triệu tấn, trong đó, chủ yếu tập trung tại khu vực miền Bắc (chiếm 60%), miền Trung (chiếm 21%) và miền Nam (chiếm 19%).
Theo ông Thực, dù Chính phủ, các bộ, ngành đã có chủ trương sử dụng tro xỉ để sản xuất xi măng, vật liệu không nung và phối liệu với các nguyên liệu khác sử dụng trong sản xuất VLXD, song do nhiều vướng mắc nên hầu hết lượng tro xỉ không được sử dụng cho mục đích này.
“Năm 2017, lượng tro, xỉ tiêu thụ chỉ đạt gần 4 triệu tấn, chiếm khoảng 30% tổng lượng phát sinh do quan niệm đây là một nguồn chất thải hoặc chất thải nguy hại. Tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa tro bay và bụi lò hơi có dầu từ các NMNĐT vào danh mục chất thải nguy hại. Quy định này khiến các NMNĐT phải tốn kém kinh phí phân tích thành phần tro, xỉ nhưng kết quả là đều thấp hơn ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định” - ông Thực đưa ra thực trạng.
Từ thực tế trên, ông Nguyễn Văn Kỳ - Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Đông Triều – TKV - cho biết, mỗi năm NMNĐ Mạo Khê thải ra khoảng 650 ngàn tấn tro, xỉ chỉ có khoảng 17% lượng tro xỉ của nhà máy này chỉ được sử dụng sản xuất VLXD không nung và làm phụ gia xi măng.
Ngoài những vướng mắc trên, theo các chuyên gia, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho xử lý, sử dụng tro, xỉ trong sản xuất VLXD và sử dụng trong các công trình xây dựng còn thiếu; trong khi nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chưa phù hợp với thực tế cung cấp, vận chuyển, sử dụng tro, xỉ. Bên cạnh đó, việc thị trường quen sử dụng VLXD truyền thống; giá thành gạch không nung cao và thiếu các chính sách hỗ trợ DN sản xuất VLXD từ tro xỉ… cũng là những nguyên nhân được nêu ra.
Nhà máy sản xuất gạch, ngói từ tro xỉ của Công ty Thanh Tuyền |
Bổ sung, hoàn thiện khung khổ pháp lý
Đứng trên quan điểm một DN, ông Vũ Thanh Tuyền – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thanh Tuyền Group- nêu ý kiến, ngoài một số rào cản pháp lý thì khó khăn DN gặp phải là công nghệ sản xuất VLXD từ tro xỉ chủ yếu của Trung Quốc còn nhiều hạn chế, trong khi công nghệ của các nước tiên tiến khác đồi hỏi chi phí đầu tư rất lớn. Bên cạnh đó, việc đưa sản phẩm ra thị trường cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu các chứng nhận chất lượng của các cơ quan nhà nước...
Ông Trần Văn Lượng - Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp – nêu vấn đề: Ngày 7/3/2018, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã làm việc với các Bộ: Công Thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ bàn giải pháp xử lý, chế biến tro xỉ và tháo gỡ khó khăn theo hướng tạo điều kiện thông thoáng hơn trong quá trình quản lý, sử dụng và tiêu thụ tro, xỉ.
Ông Trần Văn Lượng - Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương |
Đưa giải pháp, ông Lượng đề nghị cần sớm sửa đổi Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ theo hướng: Loại bỏ giấy phép “Giấy xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường” để các DN sản xuất VLXD từ tro xỉ dễ dàng tiếp cận và tái chế tro, xỉ của NMNĐT. Đồng thời, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với tro, xỉ làm VLXD, vật liệu san nền…
Đại diện Viện Nghiên cứu ứng dụng vật liệu xây dựng nhiệt đới, PGS. TS Bạch Đình Thiên thì cho rằng, nếu xử lý tốt tro, xỉ, hàng năm có thể tiết kiệm hàng chục triệu tấn khoáng sản, hàng trăm ha diện tích làm bãi chứa và quan trọng hơn là xử lý cơ bản ô nhiễm môi trường chất thải rắn từ NMNĐT, đảm bảo phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Vì vậy, các bộ, ngành cần phối hợp thực hiện có hiệu quả Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng.
Theo Tổng sơ đồ Điện VII điều chỉnh đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 46 NMNĐT đi vào hoạt động với tổng công suất thiết kế đạt 41.500 MW; trong đó, có 25 nhà máy sử dụng than nội địa với công suất 18.470 MW và 21 nhà máy sử dụng than nhập với công suất 22.780 MW. |