Tăng trưởng siêu tốc
Thời gian trước, thị trường thuốc Việt Nam không có “anh cả”. Hệ thống phân phối chủ yếu là các nhà thuốc nhỏ lẻ. Nhà buôn hiếm hoi được biết đến là Hapulico và “chợ thuốc” Ngọc Khánh. Chính vì vậy, thuốc giả đã trở thành một vấn nạn khiến người tiêu dùng lo lắng.
Từ năm 2017, sau khi Tập đoàn FPT thâu tóm chuỗi nhà thuốc Long Châu (thời điểm đó mới chỉ có 4 cửa hàng), người tiêu dùng kỳ vọng sẽ giảm thiểu nguy cơ tiếp cận phải thuốc giả bởi FPT là một thương hiệu lớn trên thị trường.
Với việc ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT từng là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, niềm tin vào tập đoàn công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam đã lan tỏa sang thương hiệu tưởng chừng không liên quan. Đó chính là FPT Long Châu.
Sau khi về tay tập đoàn FPT, FPT Long Châu đã có bước chuyển mình ngoạn mục với các chỉ tiêu kinh doanh tăng trưởng thần tốc khi hệ thống cửa hàng mở ra nhanh hơn bất cứ thương hiệu nào trên thị trường trong mọi lĩnh vực.
Sau 6 năm về tay FPT, hệ thống của FPT Long Châu tăng mạnh từ con số 4 lên tới 1.600 nhà thuốc. Kết quả là cả doanh thu và lợi nhuận của công ty này đi “tàu siêu tốc”.
Năm 2018, doanh thu của FPT chỉ là 0 đồng, sau đó tăng trưởng theo hướng thẳng đứng, lần lượt đạt 511 tỷ đồng (năm 2019), 1.191 tỷ (năm 2020), 3.977 tỷ đồng (năm 2021), 9.596 tỷ đồng (năm 2022) và 16.049 tỷ đồng (năm 2023).
Đây là đà tăng khủng khiếp về doanh thu, gần như không một doanh nghiệp nào trên thị trường có thể đạt được.
Cùng với doanh thu, lợi nhuận của FPT Long Châu từ chỗ thua lỗ cũng cải thiện đáng kể. Cụ thể, từ năm 2018 đến năm 2020, công ty này liên tục thua lỗ với các khoản lỗ 65 triệu đồng (năm 2018), 41,9 tỷ đồng (năm 2019), 113 tỷ đồng (năm 2020).
Bước sang năm 2021, sau khi nhu cầu về vật tư y tế và thuốc men lên cực đỉnh, FPT Long Châu ghi nhận doanh thu đạt tới 3.977 tỷ đồng, tăng 2.786 tỷ đồng, tương đương 234% so với năm 2020. Kể từ đây, FPT Long Châu chấm dứt được chuỗi năm dài thua lỗ khi lợi nhuận sau thuế đạt 4,9 tỷ đồng.
Sau đó, nhờ doanh thu đi lên thẳng đứng, lợi nhuận sau thuế năm 2022 và 2023 của FPT Long Châu tăng vọt lên 53,3 tỷ đồng và 152 tỷ đồng.
Nợ phải trả của FPT Long Châu "phình to" theo từng năm. Biểu đồ: Vân Khánh. |
Nợ nần chồng chất
Nếu chỉ xét doanh thu, lợi nhuận, có thể thấy, FPT Long Châu đã có bước tiến thần kỳ mà chưa doanh nghiệp nào có được. Thế nhưng, bản thân “ông lớn” ngành dược phẩm lại cho thấy điểm yếu “chí mạng”, đó là phát triển không dựa trên nguồn lực bản thân mà dựa chủ yếu vào… nợ nần.
FPT Long Châu có chuỗi năm dài chứng kiến nợ phải trả cao vượt trội so với vốn chủ sở hữu.
Cụ thể, từ năm 2019 tới năm 2023, vốn chủ sở hữu của FPT Long Châu lần lượt là 44,1 tỷ đồng (năm 2019), 99,2 tỷ đồng (năm 2020), 114 tỷ đồng (năm 2021), 404 tỷ đồng (năm 2022) và 614 tỷ đồng (năm 2023).
Sau 5 năm, vốn chủ sở hữu tăng rất nhanh với đà tăng 1.292% nhưng nợ lại đi lên mạnh hơn với đà tăng 1.565%. Cùng giai đoạn này, nợ phải trả của công ty lần lượt là 323 tỷ đồng (năm 2019), 538 tỷ đồng (năm 2020), 1.985 tỷ đồng (năm 2021), 3.245 tỷ đồng (năm 2022) và 5.377 tỷ đồng (năm 2023).
Tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tại FPT Long Châu thường xuyên là con số rất lớn, đạt 7,2 lần (năm 2019), 5,4 lần (năm 2020), 17,4 lần (năm 2021), 8 lần (năm 2022) và 8,8 lần (năm 2023).
Tại ngày 31/12/2023, nợ phải trả của FPT Long Châu đạt tới 5.377 tỷ đồng, cao gấp 8,8 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 90% tổng nguồn vốn. Có thể thấy, 90% nguồn vốn hoạt động của công ty được tài trợ bởi nợ.
Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng nợ, đạt 54,3% (tương đương 2.921 tỷ đồng). Đứng sau là phải trả người bán ngắn hạn với 1.794 tỷ đồng, tăng 1.046 tỷ đồng, tương đương 140% so với hồi cuối năm 2022.
Thanh khoản thấp
Nợ lớn không phải vấn đề duy nhất của FPT Long Châu. Vấn đề lớn hơn chính là trong tổng nợ, nợ ngắn hạn lại nhiều vượt trội. Nợ ngắn hạn liên quan đến khả năng chi trả, thanh khoản và thậm chí là nguy cơ phá sản của doanh nghiệp.
Cụ thể, tại ngày 31/12/2023, FPT Long Châu ghi nhận 5.376 tỷ đồng nợ ngắn hạn, 5.226 tỷ đồng tài sản ngắn hạn và 4.468 tỷ đồng hàng tồn kho.
Như vậy, hệ số khả năng thanh toán hiện thời hồi cuối năm 2023 của FPT Long Châu là 0,97.
Theo lý thuyết, hệ số khả năng thanh toán hiện thời nhỏ hơn 1 “Thể hiện khả năng trả nợ của doanh nghiệp yếu, là dấu hiệu báo trước những khó khăn tiềm ẩn về tài chính mà doanh nghiệp có thể gặp phải trong việc trả các khoản nợ ngắn hạn. Khi hệ số càng dần về 0, doanh nghiệp càng mất khả năng chi trả, gia tăng nguy cơ phá sản”.
Trong khi đó, hệ số khả năng thanh toán nhanh chỉ là 0,14.
Theo lý thuyết, hệ số khả năng thanh toán nhanh “Phản ánh doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc chi trả, tính thanh khoản thấp”.
Với việc hệ số khả năng thanh toán nhanh chỉ là 0,14, có thể thấy tính thanh khoản của FPT Long Châu là thấp. Nguy cơ mất thanh khoản cận kề.