Sự tồn vong của eurozone sẽ được khẳng định trong nửa đầu năm 2012
- Theo các chuyên gia phân tích, suốt cả năm 2011, thị trường đã thử thách với thông tin từ Italy và Hy Lạp, các nền kinh tế Nam Âu khốn khổ với tỷ lệ nợ/GDP cao và điều này dự kiến không thay đổi trong năm 2012.
Ông Thomas Mayer, chuyên gia kinh tế trưởng tại ngân hàng Deustche Bank, dự báo: “Nửa đầu năm 2012 sẽ là khoảng thời gian mà người ta cảm nhận được rõ ràng liệu đồng euro có thể tồn tại được hay không. Điều đó còn tùy thuộc vào việc liệu chính phủ của ông Monti có bình ổn được kinh tế Italy và thực thi các biện pháp đổi mới hay không.”
Vào tháng trước, ông Mario Monti đã lên làm Thủ tướng Italy sau khi cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi mất chức do không chấm dứt được tình trạng bất ổn tại Italy, nền kinh tế lớn thứ 3 tại khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Ông Mayer cho rằng chính phủ mới sẽ có thể cứu cho Italy ra khỏi mớ hỗn độn hiện nay vào năm sau, dù nhiệm vụ này khá khó khăn.
Ông Sean Corrigan, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại Diapason Commodities Management, phân tích: “Họ đang giảm đi rất nhiều hoạt động kinh tế không mang lại hiệu quả nhưng đã tồn tại ở Italy suốt nhiều năm qua.”
Kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách của Hy Lạp hiện bao gồm chương trình tư hữu hóa khá nhiều tài sản của nhà nước.
Ngày thứ Sáu tuần trước, tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch đưa nhiều nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu vào diện xem xét hạ xếp hạng tín dụng trong đó bao gồm Italy và Pháp, đồng thời cảnh báo khu vực này khó có thể đưa ra giải pháp tổng thể cho các vấn đề thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Chuyên gia thuộc Deustche Bank tin rằng kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ suy thoái sâu trong quý 1/2012, ông khẳng định tâm lý thị trường đã cực bi quan và cần đến sự phối hợp chính sách của các Ngân hàng Trung ương.
Theo Cafef