Sở Công Thương TP.HCM: Sức mua tại chợ yếu nhưng không trầm trọng Quà Valentine 2024: Thị trường ảm đạm, sức mua yếu |
TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) đã có cuộc trao đổi với Vuasanca về một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh trước tình hình sức mua yếu.
Cần sớm có các giải pháp để khơi thông thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Ảnh: TTXVN |
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khó khăn của doanh nghiệp hiện nay là sức mua yếu, áp lực cạnh tranh và chi phí sản xuất tăng cao. Ông có thể nêu rõ một số nguyên nhân của thực tế này?
Nhìn vào các con số phản ánh tốc độ tiêu dùng nửa đầu năm, chúng ta cũng có thể thấy sức mua chưa thực sự khả quan. Theo số liệu của Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt gần 3,099 triệu tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 tăng 11,3%), nếu loại trừ yếu tố giá, mức tăng chỉ còn 5,7% (cùng kỳ năm 2023 tăng 8,8%).
Cùng với đó, sức mua trong nước 6 tháng qua tăng thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và giai đoạn 2015 - 2019. Như vậy, sức mua yếu, bên cạnh vấn đề có tính cơ cấu là do sự thay đổi thị hiếu, thói quen, nhu cầu tiêu dùng của người dân, mặt khác cũng có thể thấy rõ tâm lý tiết kiệm, chi tiêu thận trọng của doanh nghiệp, người dân trước những khó khăn của nền kinh tế hiện nay.
TS.Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) |
Từ góc độ đại diện cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, theo ông, đâu là những tác động từ sức mua yếu đối với hoạt động của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế?
Qua các nắm bắt, thống kê, nhiều doanh nghiệp không trụ nổi đã phải rời thị trường. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh tại các trung tâm thương mại, tuyến phố trung tâm tiếp tục phải sang nhượng, trả mặt bằng cho thuê. Theo đó, yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động của doanh nghiệp là kết quả bán hàng suy yếu do nhu cầu giảm, sức mua yếu.
Ngoài ra, sức mua yếu còn ảnh hưởng đến động lực sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến khu vực thương mại, dịch vụ và qua đó sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh cầu thị trường thế giới chưa có nhiều cải thiện, mà cầu thị trường trong nước vẫn tiếp tục yếu, thì đó sẽ là những yếu tố cản trở sự phục hồi của nền kinh tế.
Trước thực tế đó, nền kinh tế thực sự đang đối mặt với những khó khăn rất lớn. Như vậy, nhiều ý kiến cũng đã cho rằng, để giải quyết vấn đề sức mua yếu không phải chỉ dùng biện pháp kích cầu tiêu dùng là đủ, bởi khó khăn như hiện nay, muốn “kích” cũng không đơn giản. Do đó, phải có một giải pháp tổng thể để gỡ khó cho nền kinh tế.
Vậy, thời gian tới, cần giải pháp để cải thiện sức mua, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh và nền kinh tế vượt qua được giai đoạn khó khăn cụ thể ra sao, thưa ông?
Trước mắt, để khắc phục hạn chế, tác động thị trường do sức mua yếu phải bằng cách khơi thông thị trường, đặc biệt là thị trường trong nước. Do thị trường xuất khẩu vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, nên phải tập trung vào thị trường trong nước, qua đó mới tăng được sức mua, tăng kích cầu tiêu dùng. Từ đó, chúng ta sẽ có cơ hội khơi thông sản xuất hàng hoá.
Tuy nhiên, muốn khơi thông thị trường, phải tập trung đẩy mạnh tổ chức thực hiện các Đề án, các chương trình liên quan đến thúc đẩy thị trường nước do Bộ Công Thương phụ trách, tổ chức. Đơn cử như chương trình Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần xây dựng chương trình hỗ trợ ngành dịch vụ thương mại, thực hiện nhiệm vụ lưu thông hàng hoá. Trong đó, phải tăng cường triển khai chương trình ưu tiên về cơ chế, thuế, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này hoạt động thuận lợi. Cần lưu ý hỗ trợ kịp thời cho khu vực doanh nghiệp, các đơn vị dịch vụ thương mại liên quan đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Bởi, hoạt động dịch vụ thương mại dù không sản xuất ra hàng hoá nhưng giữ vai trò quan trọng của tái sản xuất.
Ngoài ra, muốn thúc đẩy sản xuất hàng hoá trong nước đi vào nề nếp, theo hướng thông thoáng, thiết nghĩ chúng ta phải ngăn chặn được hàng lậu, hàng trốn thuế, qua đó tạo dựng được môi trường kinh doanh lành mạnh, nuôi dưỡng nguồn thu, cũng như điều hoà cung cầu theo nguyên tắc thị trường. Do hàng lậu tràn lan sẽ khiến cho doanh nghiệp làm ăn chân chính mất hết quyền lợi, đồng thời làm méo mó các giá trị của thị trường, tác động đến quan hệ cung cầu và người sản xuất, kinh doanh.
Mặt khác, chúng ta cần phải có chính sách khuyến khích doanh nghiệp, tập đoàn lớn quốc tế mua hàng hoá nguyên liệu của doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, cũng như các doanh nghiệp FDI - đây là những đơn vị đáp ứng yêu lớn liên quan đến công nghiệp phụ trợ. Ngoài ra, đối với các tập đoàn bán lẻ, chúng ta cần có các đề xuất, kiến nghị làm sao có cơ chế đẩy tỷ lệ hàng Việt Nam nhiều lên trong hệ thống của họ, qua đó tạo cơ hội tiêu thụ hàng hoá thiết yếu của Việt Nam nhiều hơn.
Trong bối cảnh thực thi nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) với những ưu đãi về các dòng thuế thì cần khuyến khích doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp FDI nhanh chóng tận dụng, qua đó có thể đẩy tỷ lệ tiêu thụ, mua hàng hoá trong nước. Đồng thời, cần tập trung hỗ trợ tín dung trung hạn cho doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp dịch vụ thương mại để chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo.
Đặc biệt, cơ quan quản lý chính sách cần hoàn thiện nhanh chóng các thể chế, ban hành cho kịp thời, linh hoạt các văn bản, thông tư hướng dẫn thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, nếu chậm triển khai sẽ để trôi thời điểm doanh nghiệp cần, có nhu cầu; cũng như chính sách ban hành kịp thời mới phát huy được giá trị, tác dụng. Tiếp đó, phải tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh đồng bộ, thông thoáng để doanh nghiệp thuận lợi hoạt động.
Xin cảm ơn ông!