Giải bài toán năng lượng cho các trạm sạc tại Việt Nam Xu hướng sử dụng xe điện kinh doanh taxi tại Việt Nam |
Ưu điểm khi sử dụng ôtô điện kinh doanh taxi
Tại Việt Nam, kinh doanh vận tải taxi công cộng bằng ô tô điện là mô hình mới, có bước phát triển đột phá trong hai năm qua, giúp giảm phát thải đối với các hãng taxi, từng bước thay thế đội xe chạy xăng, thúc đẩy nhanh hơn tiến trình chuyển đổi toàn bộ taxi chạy xăng sang xe điện vào năm 2030. Đây cũng là mốc thời gian được nêu tại Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải.
Số lượng trạm sạc không đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng xe điện của người dân, trong đó có taxi điện |
Dưới góc độ kinh doanh, ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Di chuyển xanh và thông minh GSM, chia sẻ: Taxi điện không phải hình thức kinh doanh mới, các đơn vị vận tải ở nhiều nước trên thế giới đã và đang thực hiện chuyển đổi như Ấn Độ, Lào, Trung Quốc, Hàn Quốc hay Indonesia. Một số trong đó cũng là quốc gia mà Xanh SM có kế hoạch đầu tư.
"Xe điện mỗi lần sạc đầy có thể đi được 300 km. Mỗi tháng trung bình 1 tài xế chạy dịch vụ của chúng tôi chạy khoảng 6.000 km, vị chi mỗi ngày di chuyển khoảng 200 km nên mỗi ngày chỉ cần sạc 1 lần là đủ chạy. Để sạc đầy từ 20-100% chỉ mất khoảng 30-40 phút. Hiện nay, các tài xế thường sẽ không sạc đầy mà sẽ tranh thủ sạc 10-15 phút là có thêm vài chục phần trăm pin", ông Thanh nhận định.
Nhiều hãng taxi truyền thống đang từng bước chuyển đổi dàn phương tiện từ xe xăng sang xe điện, như taxi MaiLove (Nghệ An), taxi Én Vàng (Hải Phòng), taxi Lado (Lâm Đồng), taxi Bách Đại Dũng (Hà Tĩnh)... đã đầu tư từ vài trăm đến hàng nghìn xe ôtô điện mới với phương thức đầu tư đa dạng, từ mua, thuê hoặc thuê mua xe điện.
Theo PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, doanh nghiệp taxi chuyển đổi sang xe điện có lợi khi giảm chi phí nhiên liệu, chi phí bảo trì, bảo dưỡng xe. Còn Nhà nước được lợi khi đã cam kết cắt giảm CO2 theo Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26). Mặt khác, theo Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mê tan của ngành giao thông vận tải, từ năm 2030 toàn bộ taxi thay thế, đầu tư mới phải sử dụng điện, năng lượng xanh; đến năm 2050 toàn bộ xe buýt, taxi sử dụng điện, năng lượng xanh. Do vậy, doanh nghiệp tiên phong sử dụng xe điện đang góp công lớn trong thực hiện cam kết của Chính phủ thì phải sớm được hưởng chính sách hợp lý. Doanh nghiệp thấy được chính sách hỗ trợ để kinh doanh có lãi sẽ sẵn sàng chuyển đổi sang xe điện.
Thiếu trạm sạc, giải pháp nào?
Theo tìm hiểu, dù hầu hết các doanh nghiệp vận tải, nhất là taxi đã quan tâm đến phương án chuyển đổi từ xe xăng dầu sang xe điện nhưng họ còn có một số băn khoăn về hệ sinh thái xe điện như: Thiếu trạm sạc, phạm vi hoạt động ngắn, thời gian sạc pin lâu, giá trị pin rất lớn (chiếm khoảng 30% giá trị xe).
Giống như các quốc gia phát triển, Việt Nam cần phải khuyến khích, động viên các tổ chức tư nhân có thể góp vốn để tăng cường trạm sạc trên các tuyến đường cao tốc.
Tại thời điểm này, một số hãng taxi điện chia sẻ, bất tiện như ít trạm sạc, quãng đường xe chạy được sau một lần sạc còn ngắn. Chính vì vậy cần có hạ tầng tốt, cụ thể là nhiều trạm sạc tiện ích. Nhu cầu này đến từ đặc thù của loại hình dịch vụ taxi.
“Hạ tầng trạm sạc phủ rộng sẽ góp phần tạo niềm tin cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng chuyển đổi sang xe điện, cũng như ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh và thời gian thu hồi vốn”- đại diện hãng taxi điện cho hay.
Về phía đại diện cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái - Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, chuyển đổi xe kinh doanh vận tải từ xe xăng sang xe điện là vấn đề không chỉ của ngành giao thông mà còn của nhiều ngành, lĩnh vực khác.
Ngay sau khi Chính phủ có Quyết định 876/QĐ-TTg, Bộ Giao thông Vận tải có Quyết định 1679 ngày 2/12/2023 yêu cầu các cơ quan có liên quan triển khai kế hoạch thực hiện.
Cục Đường bộ Việt Nam sau đó cũng ban hành Quyết định 1006 ngày 6/2/2024 về việc triển khai Quyết định 1679 của Bộ Giao thông Vận tải, trong đó đưa ra các lộ trình và giải pháp để thực hiện. Cụ thể sẽ rà soát sửa đổi toàn bộ Luật chuyên ngành, văn bản dưới luật để xây dựng các quy định cơ sở hạ tầng sạc điện trên hệ thống giao thông đường bộ, cao tốc đưa vào dự thảo Luật Đường bộ.
Cùng đó, cập nhật lại tất cả các quy định quản lý về phương tiện, thiết bị phù hợp với kế hoạch chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng năng lượng xanh, sạch
Đồng thời, sửa đổi các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ, đề xuất bổ sung mạng lưới hạ tầng cung cấp nguồn năng lượng xanh vào quy hoạch chi tiết kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Theo ông Hoàng Anh, sau khi có chỉ đạo của Bộ trưởng, Cục Đường bộ Việt Nam đã sửa quy chuẩn trạm dừng nghỉ đường bộ. Theo đó, yêu cầu toàn bộ các trạm dừng nghỉ trên tuyến quốc lộ, cao tốc phải có vị trí đỗ xe tối thiểu để bố trí xe ô tô vào sạc điện, chiếm 10% tổng vị trí đỗ xe tại trạm. Trong thời gian tới sẽ nghiên cứu, tiếp tục sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật yêu cầu bố trí vị trí trụ sạc xe điện tại các bến xe khách, bến xe hàng hoặc các hệ thống dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.
Ngoài ra, Cục Đường bộ Việt Nam còn đề xuất xây dựng cơ chế chính sách để khuyến khích chuyển đổi phương tiện giao thông đường bộ, đặc biệt là xe taxi, xe buýt – phương tiện vận tải hành khách công cộng chạy với số lượng lớn, nhất là trong nội đô từ xe xăng sang xe điện.
Theo các chuyên gia, Việt Nam đã đặt mục tiêu đến năm đến năm 2050, toàn bộ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Trong quá trình này, việc thúc đẩy phát triển hạ tầng trạm sạc là yếu tố không thể tách rời. |