Hòa Bình: Tăng cường hỗ trợ sản phẩm công nghiệp nông thôn để xuất khẩu Hòa Bình: Hơn 1000 người dân huyện Lạc Sơn được khám mắt, cấp thuốc miễn phí |
Xã Độc Lập, TP. Hoà Bình nay đã “thay da, đổi thịt” nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân vươn lên thoát nghèo.
Thoát nghèo nhờ nuôi dê
Những ngày đầu tháng 11, chúng tôi vượt con đường rừng khúc khuỷu, gập ghềnh trơ sỏi đá tới xã Độc Lập, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Đây là xã 135 duy nhất của TP. Hoà Bình, có đến 97% là người dân tộc Mường, từng là nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao, cuộc sống người dân vô cùng khó khăn.
Mấy năm trở lại đây, nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, người dân tham gia vào HTX nông nghiệp Độc Lập, phát triển mô hình chăn nuôi nuôi dê, nhím… hình thành chuỗi liên kết sản xuất nông sản theo hướng hàng hóa, có việc làm ổn định, tăng thu nhập, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, làm giàu.
Anh Nguyễn Văn Toàn (xóm Sòng, xã Độc Lập) phấn khởi vì xây được nhà mới nhờ phát triển mô hình chăn nuôi lợn, dê |
Anh Nguyễn Văn Toàn (xóm Sòng, xã Độc Lập) tâm sự: “Gia đình tôi là hộ nghèo, kinh tế chủ yếu làm nương rẫy, nuôi con gà, con vịt nên quanh năm chẳng đủ ăn. Năm 2019, nhờ chính quyền xã hỗ trợ cho 5 con dê, tôi chăn nuôi theo hình thức bán chăn thả, đến nay đàn dê nhà tôi đã có gần 20 con, trị giá khoảng 80 triệu đồng”.
Theo anh Toàn, ngoài phát triển đàn dê, gia đình anh còn chăn nuôi hơn 10 con lợn, thu gom măng rừng của người dân để xuất bán cho các nhà hàng, chợ đầu mối ngoài TP. Hoà Bình. Nhờ vậy, vào tháng 8/2023, gia đình anh đã vươn lên thoát nghèo, xây dựng được 1 ngôi nhà mới khang trang, trị giá gần 300 triệu đồng.
Anh Nguyễn Văn Toàn bên đàn dê của mình |
Tương tự, chị Nguyễn Thị Thu Phương (xóm Sòng, xã Độc Lập) phấn khởi nói: “Cuối năm 2019, gia đình tôi được UBND xã hỗ trợ 5 con dê để chăn nuôi, nhân đàn. Tôi tận dụng khu vực đồi cây sau nhà để chăn thả. Mỗi năm dê mẹ đẻ 1 lứa, mỗi lứa 2 con, đến nay đàn dê nhà tôi đã lên tới 15 con, phát triển tốt, ít bị bệnh. Tháng 12 tới đây, tôi sẽ xuất bán 6 con, dự kiến thu về khoảng 30 triệu đồng, đủ tiền lo cho các con ăn học đàng hoàng”.
Chị Nguyễn Thị Thu Phương chăm sóc đàn dê của mình |
Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Rời xóm Sòng, chúng tôi tiếp tục đến xóm Nội gặp anh Nguyễn Trung Kiên (34 tuổi), Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Độc Lập (HTX Độc lập). Anh Kiên là người tiên phong đem nguồn giống, kỹ thuật và kinh nghiệm về phục vụ cho người dân địa phương bằng việc mở 3 cửa hàng cung cấp giống, phân bón, hỗ trợ khoa học kỹ thuật và bao tiêu đầu ra sản phẩm cho người dân.
“Việc trồng lúa ở Độc Lập kém hiệu quả, tôi vận động người dân trồng thử hàng chục ha bí xanh, bí đao, mướp đắng. Thấy cây trồng phù hợp với đất, bí ngọt, ruột ít, giá thành cao nên sau 1 năm, người dân đã mở rộng diện tích trồng lên gần 30ha. Tháng 11/2020, tôi thành lập HTX Độc Lập với 10 thành viên, nhằm mục tiêu hỗ trợ người dân sản xuất, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm”, anh Kiên chia sẻ.
Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thâm canh tăng vụ giúp người dân xã Độc Lập có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống |
Đến nay, HTX Độc Lập đã thành lập được 3 tổ nhóm gồm: Tổ nuôi dê với số lượng 3.000 con; Tổ sản xuất nông nghiệp với sự tham gia của 80 hộ; Tổ trồng dược liệu với diện tích 5ha của 10 hộ gia đình, giúp các thành viên có việc làm ổn định, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo, làm giàu ngay chính tại quê hương.
Để mở rộng thị trường tiêu thụ, anh Kiên còn lăn lộn tìm đến các chợ đầu mối tìm kiếm thông tin về các thương lái lớn, có uy tín tại các chợ ở Hải Dương, Hưng Yên, chợ đầu mối Long Biên, Cầu Giấy để giới thiệu sản phẩm, kết nối đầu ra. Bên cạnh đó, anh Kiên tìm đến các cơ sở sản xuất giống cây trồng có uy tín của Viện Nông nghiệp, Công ty hạt giống Nova để có được nguồn giống chất lượng cao về phục vụ sản xuất.
Nhiều hộ gia đình ở xã Độc Lập vươn lên thoát nghèo nhờ mô hình nuôi dê bán chăn thả |
Trao đổi với phóng viên Vuasanca , ông Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Độc Lập cho biết, toàn xã hiện có 6 xóm với 621 hộ, 2.874 nhân khẩu, trong đó dân tộc Mường chiếm 97%, còn lại là người dân tộc Kinh và Dao. Trên địa bàn xã hiện chỉ còn có 83 hộ nghèo và cận nghèo, phát triển hàng trăm ha đất để triển khai trồng bí xanh, đậu côve, các loại rau và cây ăn quả.
Theo ông Phong, hiện người dân trong xã được hỗ trợ tích cực từ phía HTX Nông nghiệp Độc Lập, nhưng do mới thành lập nên việc xây dưng thương hiệu sản phẩm còn khó khăn, việc tìm kiếm, mở rộng thị trường chưa bền vững, việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất còn hạn chế. Đặc biệt, về cơ sở hạ tầng như nhà sơ chế, bảo quản, nhất là lò sấy chưa có nên việc tiêu thụ sản phẩm còn bấp bênh, phụ thuộc vào thương lái.
Người dân mong muốn các sở, ban, ngành liên quan hỗ trợ để đánh giá chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ. Nhất là về kinh phí để HTX xây dựng nhà sơ chế, bảo quản và sấy khô sản phẩm để đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng, cung cấp cho các nhà máy chế biến mứt, nước ép bí đao... giúp bà con không gặp phải tình trạng “được mùa mất giá”.
“Những năm qua, nhờ sự quan tâm hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hoà Bình đã từng bước đưa đời sống người dân xã Độc Lập ngày một ổn định, khởi sắc. Tính đến hết tháng 10/2023, bình quân thu nhập đầu người của xã đạt 42 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo giảm còn 6,25%, nhân dân các dân tộc đoàn kết, nỗ lực thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động, góp phần xây dựng nông thôn mới”, Phó Chủ tịch UBND xã Độc lập thông tin.